Phát huy tiềm năng, thế mạnh tự nhiên và xã hội; đồng thời, qua triển khai nhiều dự án và chính sách hỗ trợ, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện… hoạt động và doanh thu từ du lịch của Yên Bái thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào phát triển chung nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, trong đó có hạn chế về nguồn nhân lực nên du lịch của tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, để thực sự "cất cánh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực trạng
Theo thống kê, tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 4.250 người tham gia hoạt động du lịch, gồm: 2.130 lao động trực tiếp và 2.120 lao động gián tiếp. Trong tổng số lao động trực tiếp, có 95 người thuộc cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp; có 1.285 người trong cơ sở lưu trú; có 750 người trong các đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch.
Trong tổng số lao động trên, có 1,14% người đạt trình độ sau đại học, 7% trình độ đại học, 4,3% trình độ cao đẳng, 5,1% trình độ trung cấp, 13,2% trình độ sơ cấp và 69,26% là đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.
Đáng chú ý, qua điều tra, có tới 97% lao động trực tiếp trên không biết ngoại ngữ; 32% không biết sử dụng máy vi tính. Với trình độ như trên, có thể khẳng định ngay, nguồn nhân lực phục vụ du lịch "vừa thiếu và yếu”, không theo kịp sự phát triển và hội nhập, nhất là lực lượng lao động trực tiếp.
Hiện nay, đội ngũ này đang phục vụ theo thói quen, kinh nghiệm và chủ yếu theo bản năng tự nhiên; trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên không chỉ yếu về ngoại ngữ, không tinh thông về nghiệp vụ mà còn thiếu những hiểu biết về truyền thống văn hóa, lịch sử, giá trị của các danh lam thắng cảnh.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, đội ngũ lao động được đào tạo tại chỗ nên chất lượng có tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu, hiện nguồn nhân lực du lịch của tỉnh có khoảng cách khá xa so với khu vực và toàn quốc.
Nguyên nhân
Bên cạnh nguyên nhân chính do là tỉnh miền núi nghèo, đầu tư cho du lịch còn hạn chế, nguyên nhân chính vẫn do tại nhiều nơi, "ngành công nghiệp không khói” vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến, hoạt động du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vẫn chỉ là tận dụng các yếu tố văn hóa sẵn có của dân tộc và địa phương, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hơn thế, tại nhiều địa phương, không chỉ chưa quan tâm đến nguồn nhân lực phục vụ, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm.
Đối với các thành phần tham gia làm du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú đa số còn quản lý theo mô hình gia đình; các đơn vị quản lý lữ hành hoạt động theo mùa vụ, đội ngũ hướng dẫn viên cũng hợp đồng ngắn hạn, số lượng ít. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, không hấp dẫn, không thu hút và níu chân du khách… dẫn đến doanh thu và sinh lời từ du lịch thấp, việc tái đầu tư, trong đó có đầu tư cho nhân lực về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp… hạn chế là tất yếu hạn chế.
Về công tác đào tạo, tuy trên địa bàn có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng do đặc thù nhân lực trong ngành du lịch có tính định hướng rất cao, yêu cầu không thể thiếu trong quá trình đào tạo là người học phải được thực hành, thực tập để rèn kỹ năng, đầu vào học lĩnh vực này ít nên hầu hết các cơ sở đào tạo chưa đầu tư cơ sở vật chất, thiếu giáo viên và giáo trình chuẩn… nên dẫn đến chất lượng đầu ra thấp…
Giải pháp
Với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) của Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu năm 2019, sẽ thu hút 700.000 lượt du khách, trong đó có 150.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 420 tỷ đồng.
Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ta nhiều giải pháp tổng thể như: tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sự độc đáo các điểm di tích, danh lam thắng cảnh vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo hướng chiều sâu, trọng điểm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, homestay, vui chơi, giải trí, sinh thái, nghỉ dưỡng theo hướng kết nối tour tuyến nhằm thu hút và giữ chân du khách…
Có lẽ cùng các giải pháp trên, việc đầu tư nguồn nhân lực phải được quan tâm hơn nữa. Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho lĩnh vực du lịch, cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch, để có sự quan tâm đúng mức.
Trong công tác đào tạo, bên cạnh quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở, cần hết sức quan tâm đào tạo đối với lao động trực tiếp.
Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch; làm tốt công tác tham mưu để tỉnh có cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa để các cơ sở đào tạo nghề quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình và đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đầu ra du lịch; gắn đào tạo du lịch với Đề án đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Điều đáng mừng, ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HĐND về việc Quy định một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có việc hỗ trợ, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn lĩnh vực du lịch.
Chính sách đã có nhưng việc triển khai để chính sách đi vào cuộc sống thời gian qua chưa thực sự kịp thời. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải có các giải pháp để chính sách hỗ trợ này nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Với tiềm năng, lợi thế cũng như sự đầu tư đúng mức, tin tưởng du lịch sẽ thực sự cất cánh, Yên Bái sẽ là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, từ đó đóng góp chung vào nền kinh tế.
Nghị quyết số 14 HĐND tỉnh, khóa XVIII: Hỗ trợ tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng marketing du lịch; kỹ năng lễ tân, buồng bàn; kỹ năng phục vụ du lịch cộng đồng.
Mỗi khóa bồi dưỡng, tập huấn tối đa 50 học viên trong thời gian 10 ngày. Mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/khóa. Hỗ trợ tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; kỹ năng phục vụ nhà hàng; kỹ năng vận hành cơ sở lưu trú vừa và nhỏ.
Mỗi khóa bồi dưỡng, tập huấn tối đa 50 học viên trong thời gian 8 ngày. Mức hỗ trợ không quá 67 triệu đồng/khóa. Hỗ trợ tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn ngoại ngữ giao tiếp.
Mỗi khóa tối đa 20 học viên trong thời gian 15 ngày. Mức hỗ trợ không quá 71,5 triệu đồng/khóa.
|
Nguyễn Đình