Theo đó, từ nay đến năm 2021, trên 1.500 phường, 370 thị trấn và trên 800 xã được bố trí công an chính quy về làm việc và tiến tới, ngành công an sẽ bố trí công an chính quy về làm công an xã trên quy mô toàn quốc. Đây là việc làm tất yếu, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn về an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn cơ sở hiện nay.
Đưa cán bộ, chiến sỹ về xã làm việc không chỉ phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở nơi đã và đang xuất hiện những vấn đề cần có lực lượng công an chính quy với chức năng, nhiệm vụ sát hợp hơn và khả năng đáp ứng được yêu cầu cao hơn.
Khẳng định như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của lực lượng công an xã, đặc biệt là đội ngũ trưởng công an xã – lực lượng bán chuyên trách, được tuyển lựa từ những công dân có sức khỏe, phẩm chất tốt, nhiệt tình và trách nhiệm với mọi phong trào ở cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lực lượng công an xã đã gặp không ít khó khăn, hạn chế và bộc lộ một số khiếm khuyết như: là người cơ sở, có mối quan hệ dòng tộc bền chặt... nên có sự nể nang, cục bộ, chủ quan trong quá trình thực thi chức trách…
Như vậy là đi ngược lại với chủ trương kiên quyết đấu tranh với tội phạm của lực lượng công an. Phân tích ở tầm cao hơn cho thấy, hoạt động của công an xã, chức năng, nhiệm vụ của công an xã liên quan trực tiếp đến quyền con người.
Theo quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật, khi liên quan đến quyền con người thì phải điều chỉnh bằng luật. Trong khi đó, từ trước đến nay, lực lượng công an xã mới được điều chỉnh bằng Pháp lệnh năm 2008.
Thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương, Công an tỉnh Yên Bái đang tích cực chuẩn bị đưa lực lượng công an chính quy về làm trưởng công an xã. Được biết, theo lộ trình, năm 2019 sẽ đưa công an chính quy về làm trưởng công an tại một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và xã được xác định là trọng điểm về ANTT.
Như đã phân tích, việc đưa công an chính quy về xã mang mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng, phù hợp với chính sách, pháp luật cũng như đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cần quan tâm đến một số vấn đề như: cần tuyển lựa những đồng chí có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động ở cơ sở, có kỹ năng giao tiếp, có khả năng tuyên truyền, vận động để ngay sau khi về cơ sở có khả năng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an xã nắm bắt tình hình, tổ chức công tác bảo đảm ANTT.
Khi công an chính quy về xã làm việc, đồng nghĩa với việc đồng chí trưởng công an xã thôi chức, miễn nhiệm, vì vậy, cần có giải pháp tốt để giải quyết các chế độ chính sách, nếu sắp hết tuổi lao động và đủ thời gian lao động thì nên vận dụng tối đa chính sách giải quyết chế độ nghỉ chờ, nghỉ hưu sớm; nếu tuổi đời còn trẻ thì bố trí công việc phù hợp vào các vị trí thuộc bộ máy công chức xã. Trong trường hợp không thể bố trí tham gia vào bộ máy công chức xã thì cần có chính sách quan tâm giúp đỡ, giải quyết chế độ cho phù hợp.
Với những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng kinh nghiệm công tác tổ chức cán bộ, chủ trương đưa công an chính quy về xã sẽ được tổ chức thực hiện thành công, cán bộ, chiến sỹ công an sẽ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội bởi lực lượng công an luôn được người dân tin yêu.
Lê Phiên