Phóng viên (PV) Báo Yên Bái trao đổi với đồng chí Nguyễn Chương Phát - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về mục tiêu và những giải pháp sẽ được LĐLĐ thực hiện trong thời gian tới.
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu của Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, giai đoạn 2018 - 2023?
Đồng chí Nguyễn Chương Phát: Thực hiện Chương trình số 2494 /CTr-TLĐ ngày 19/12/2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 11/3/2019, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, giai đoạn 2018 - 2023.
Thông qua Chương trình này nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn tỉnh Yên Bái về nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, tạo sự chuyển biến rõ nét và hiệu quả trong nhận thức của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Tập trung lãnh đạo làm thay đổi căn bản về hoạt động chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đảm bảo ở đâu có NLĐ, ở đó có hoạt động chăm lo bảo vệ của các cấp công đoàn, tạo ra chỗ dựa vững chắc của đoàn viên và NLĐ đối với tổ chức công đoàn (TCCĐ)…
Với ý nghĩa đó nên mục tiêu của chương trình này là tập trung mọi nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên và NLĐ với TCCĐ; xây dựng TCCĐ các cấp trong tỉnh vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
PV: Chỉ tiêu của Chương trình này được LĐLĐ tỉnh xác định cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Chương Phát: Trước hết, là tiếp tục thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn tỉnh Yên Bái. Hàng năm có từ 96% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% doanh nghiệp Nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; Có từ 90% trở lên doanh nghiệp Nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; Có 70% trở lên doanh nghiệp có TCCĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), hàng năm mỗi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký TƯLĐTT với 1 doanh nghiệp chưa có TCCĐ.
Trong đó có ít nhất 30% bản TƯLĐTT đạt loại A trở lên. Đặc biệt, các chỉ tiêu để thực hiện tốt Chương trình là: văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và 100% Tổ tư vấn pháp luật của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoạt động có hiệu quả.
Phấn đấu đến năm 2023 có ít nhất 65% các vụ việc của đoàn viên, TCCĐ có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện công đoàn tham gia. 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có cán bộ chuyên trách công đoàn được phân công phụ trách về: Công tác an toàn, vệ sinh lao động, đối thoại, thương lượng tập thể, TƯLĐTT, được bồi dưỡng sâu về nghiệp vụ để đảm nhận tốt nhiệm vụ. Hàng năm căn cứ vào nguồn thu tài chính công đoàn có kế hoạch dành kinh phí chi cho hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
PV: Thưa đồng chí, vậy giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chương trình này là gì?
Đồng chí Nguyễn Chương Phát: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình này, trong thời gian tới, các cấp công đoàn Yên Bái sẽ tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và TCCĐ. Thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các cấp công đoàn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện của các cấp công đoàn.
Thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp làm công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong đó, nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ; phải thực sự coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức công đoàn, được ưu tiên nguồn lực và công tác chỉ đạo; nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thành Trung (thực hiện)