Địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn hạn chế. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng muốn sinh nhiều con, cùng các phong tục, tập quán mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ… Đó cũng là những rào cản, hạn chế trong công tác dân số ở huyện Mù Cang Chải hiện nay.
Thực tế, những năm qua, huyện đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức truyền thông theo nhóm cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh THPT...
Hàng năm, huyện thực hiện 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) đến vùng có mức sinh cao tại các bản của 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nhờ vậy, công tác DS-KHHGĐ đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những rào cản trên khiến quá trình triển khai thực hiện công tác dân số trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong thực hiện chính sách dân số trên địa bàn, chị Sùng Thị Máy - Trưởng phòng Dân số huyện chia sẻ: do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động nâng cao kiến thức về công tác dân số cho người dân. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân ngại ra trạm y tế xã để được tư vấn, cấp phát, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai.
Mặt khác, do nhận thức, phong tục, tập quán nên người dân ngại tiếp cận với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, không sử dụng biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, quan niệm sinh nhiều con để có đông lao động, tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích đẻ con trai để nối dõi là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên năm 2018 của huyện còn cao, chiếm tỷ lệ 18,8%, tăng 0,3% so với năm 2017.
Trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản vừa thiếu lại vừa yếu, khó khăn trong công tác tuyên truyền. Một số xã chưa thực sự quan tâm, còn buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS-KHHGĐ ở địa phương. Ngoài ra, trợ cấp hàng tháng cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản còn thấp nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự nỗ lực, nhiệt tình trong công việc...
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh của huyện còn ở mức cao, năm 2018 tỷ suất sinh thô là 21,3%; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thấp, đạt 66%; toàn huyện còn tới 123/452 cặp kết hôn vi phạm tảo hôn, chiếm tỷ lệ 27,2%...
Đáng quan ngại là tình trạng sinh con thứ 3 trở lên không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ 18,8%, tăng 0,3% so với năm 2017. Song điều ghi nhận trong công tác dân số tại huyện Mù Cang Chải năm 2018 là không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn.
Để tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, thời gian tới, cùng với tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, huyện Mù Cang Chải tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp.
Tăng cường công tác truyền thông; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thôn, bản; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành thực hiện Pháp lệnh Dân số, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Vũ Đồng