Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế, phong trào KH-KT trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng đều, một số nội dung thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 chưa thực sự hiệu quả; chất lượng giáo dục, nhất là ở vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn hạn chế; công tác phổ cập giáo dục ở một số địa phương chưa vững chắc; hoạt động xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn...
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KH-KT, đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong nhân dân, xây dựng XHHT đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngày 3/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 316 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KH-KT, xây dựng XHHT.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đối với công tác KH-KT, xây dựng XHHT.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Do đó, phải quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác xây dựng XHHT.
Mục tiêu cụ thể là: phấn đấu hoàn thành thắng lợi Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012- 2020, Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 và Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI).
Phải tiếp tục củng cố, xây dựng hội KH các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội trong công tác KH - KT, xây dựng XHHT; phát triển mạng lưới và tổ chức hội đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn theo hướng đổi mới phương thức hoạt động, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đi vào chiều sâu; gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập với phong trào xây dựng nông thôn mới, mô hình văn hóa, các danh hiệu thi đua.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục dân tộc, giáo dục mũi nhọn; thực hiện tốt chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa các loại hình học tập phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân.
Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường các giải pháp đa dạng hóa chương trình đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục cộng đồng tại các địa phương.
Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Đề án số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến 2035”…
Nguyễn Đình