Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Chủ tịch và không quá 20 thành viên; sử dụng bộ máy giúp việc chung với Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao.
Hiện lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất. Trung bình mỗi ngày trên thế giới có tới 4.500 người tử vong do lao.
Việt Nam đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Năm 2017, Việt Nam có hơn 124.000 ca mắc lao và có 12.000 trường hợp tử vong do lao. Dù con số này đã giảm, nhưng vẫn cao hơn cả số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện tại Việt Nam, những năm qua, công tác phòng, chống lao đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 81% số mắc mới hằng năm, cao hơn mức trung bình trên thế giới (61%).
Những năm qua Việt Nam cũng duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao, hơn 92% cho người mới mắc lần đầu và 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thuần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%.
Đối với lao siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị mới và dần mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc trong cộng đồng. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, bao gồm kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy Gene Xpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh…
Đáng chú ý, hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc cũng đã có 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, tạo nên mạng lưới phòng, chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.
Cũng theo chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16/30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu; tỷ lệ điều trị thành công chỉ ở mức 68% (chỉ tiêu là 76%); chưa tầm soát hết đối tượng nghi MDR; sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em chưa hiệu quả; công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn...
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, mục tiêu hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia tới năm 2020 sẽ phải giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người trên 100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
(Theo HQO)