Kết quả đó, là do có sự đóng góp không nhỏ của các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong tỉnh.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của CVĐ; động viên các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) tích cực tham gia quảng bá sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu các cơ sở SXKD hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân, mua sắm tài sản công; vận động nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện tố giác hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ trong các dịp lễ, tết và hội chợ (thời điểm sức mua tăng); qua đó, góp phần quảng bá, xúc tiến tiêu thụ được nhiều sản phẩm của tỉnh và các mặt hàng trong nước.
Qua 10 năm triển khai CVĐ, toàn tỉnh đã đăng tải, phát hành hơn 25.000 tin, bài, ảnh, video về những vấn đề liên quan đến CVĐ, 950 phóng sự trong Chuyên mục "Khuyến công”, tổ chức trên 100 hội chợ (trong đó có hơn 20 hội chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn) thu hút trên 1.500 DN tham gia; treo trên 250 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”.
Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao năng lực SXKD của các DN, nhà sản xuất trong tỉnh thông qua hỗ trợ khảo sát thị trường, tổ chức mạng lưới phân phối, đổi mới công tác thuế, quản lý thị trường...
Hưởng ứng CVĐ, các đơn vị SXKD trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD của đơn vị; nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm chi phí hạ giá thành sản phẩm; mở rộng hệ thống phân phối...
Thực hiện Quyết định 634 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, giai đoạn 2014 - 2020”, Sở Công Thương đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, điều tiết hàng hóa bình ổn giá; liên kết hợp tác công thương với các tỉnh, thành phố; hỗ trợ DN bán hàng trực tuyến; duy trì và vận hành tốt các điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam.
Trong 10 năm qua, Sở Công Thương đã xác nhận đăng ký và tiếp nhận theo dõi trên 300 lượt doanh nghiệp với trên 800 gian hàng và trên 100.000 lượt người tham quan, mua hàng tại các hội chợ, đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng; các huyện, thị, thành phố có 500 DN tham gia các hội chợ doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng.
Mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, từ năm 2016 - 2018, Sở Công Thương đã tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh tại 43 hội chợ trong nước. Thông qua các hoạt động tại hội chợ đã tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới đông đảo người tiêu dùng và các DN trong, ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường hợp tác đầu tư, kích thích phát triển sản xuất.
Thực hiện công tác khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương trong công tác đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tổ chức các dịch vụ thương mại và chăm sóc khách hàng...
Đến nay, toàn tỉnh có 80 đơn vị được tỉnh hỗ trợ đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: gạo Bạch Hà, chè Suối Giàng, cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên...
Đối với công tác phát triển thương mại điện tử cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 170 lượt DN tham gia đăng ký thành viên trên sàn giao dịch điện tử và có 750 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.
Hình thức kinh doanh điện tử không chỉ góp phần giảm chi phí kinh doanh, tìm kiếm thêm được thị trường, xây dựng mạng lưới kênh phân phối mà còn tạo uy tín với người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Để góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Từ năm 2009 đến hết năm 2018, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh đã kiểm tra trên 8.000 lượt; xử lý vi phạm trên 7.000 vụ; phạt hành chính trên 8 tỷ đồng; tịch thu trên 9 tỷ đồng giá trị hàng hóa; tiêu hủy trên 5 tỷ đồng hàng hóa kém chất lượng.
Để Cuộc vận động tiếp tục có sức lan tỏa, thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền nội dung cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường vận động các DN, doanh nhân mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, việc triển khai thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về việc hỗ trợ các chính sách trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động.
Đối với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, DN phải coi việc thực hiện CVĐ là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời đấu tranh, phê phán với các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân; quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trần Hồng