Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết xôn xao về việc một bé gái 5 tuổi ở thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn)bị chính người họ hàng của mình là Lộc Văn Hưởng (SN 1988) xâm hại khi bé nhà một mình. Vụ việc chỉ được phát hiện ra khi người mẹ thấy con gái kêu đau vùng kín và có biểu hiện tâm lý không ổn định.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn nhận định, nguyên nhân của những vụ việc thương tâm này một phần là do gia đình nạn nhân buông lỏng việc quản lý con cái.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018 toàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 15 vụ xâm hại tình dục, trong đó có 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em mà hầu hết các đối tượng phạm tội đều là người thân hoặc là người quen của nạn nhân.
Nhiều vụ đối tượng gây án và cả bị hại đều có trình độ văn hóa thấp, không biết đọc, biết viết, hạn chế về nhận thức đã vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả đau lòng. Kẻ xâm hại vào tù, còn nạn nhân không chỉ tổn hại đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý.
Ông Nông Văn Quận, Phó Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Khi vào đây, các cháu bị hoảng loạn về tinh thần. Được các cô chú trong trung tâm động viên, tư vấn giúp các cháu quên đi những chấn thương tâm lý đã trải qua”.
Cũng là một nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cô giáo, bác sỹ tại cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn, cháu Hoàng Thị M ở huyện Bình Gia đã vượt qua được nỗi đau cả về thể xác và tâm hồn để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, cùng với việc tăng cường kỹ năng sống cho trẻ, nhất là trẻ em ở khu vực miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn. Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Trung tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết: "Chúng tôi muốn sân khấu hóa các buổi tuyên truyền về công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục và tình trạng vị thành niên vi phạm pháp luật. Qua đó, chúng tôi muốn trang bị cho các cháu kỹ năng mềm, kỹ năng phát hiện về các đối tượng có nguy cơ xâm hại cho mình, và kỹ năng phòng tránh, kỹ năng nhờ cộng đồng hỗ trợ khi mình có thể trở thành nạn nhân”.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái luôn có thể bị xâm hại tình dục bởi sự xuống cấp đạo đức của một số đối tượng bệnh hoạn. Bởi vậy, bên cạnh việc cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các chính pháp luật thì chính những bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến con em mình. Đừng để những kẻ thủ ác có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội./.
(Theo VOV)