Một sự kiện được dư luận quan tâm vừa xảy ra sẽ không chỉ có báo ảnh, báo viết, báo hình, báo phát thanh đưa tin, phản ánh mà chủ tài khoản Facebook, Zalo... cũng "vào cuộc”, cho dù việc tiếp cận vấn đề có thể chưa được sâu nhưng lợi thế của mạng xã hội là nhanh, sức lan tỏa lớn.
Cũng chỉ vì quá nhanh, vì mỗi chủ tài khoản là một thực thể cá nhân riêng biệt, họ (tức chủ tài khoản Facebook, Zalo...) tiếp cận vấn đề có thể không đầy đủ, không kiểm chứng, lại mang ý thức chủ quan, cá nhân, cộng với thái độ thiếu ý thức chấp hành pháp luật hoặc ngây thơ khi cho rằng, đây là trang cá nhân, nói, viết theo ý hiểu, theo quan điểm của cá nhân mình, có thể chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ...) nên họ không nghĩ tới hoặc không thể lường hết được hậu quả ghê gớm do chính những thông tin không đầy đủ, không chính xác mà họ chia sẻ trên trang cá nhân.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh những, cái hay, cái tốt, mạng xã hội đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi cần có sự quản lý, điều chỉnh bằng luật pháp và trách nhiệm xã hội của từng người dùng.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống báo chí và công việc của người làm báo. Công nghệ kỹ thuật số và Internet giúp người làm báo thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp. Việc ghi hình, ghi âm được trợ giúp bởi những thiết bị công nghệ tân tiến, nhỏ gọn, cho hình ảnh và âm thanh trung thực hơn, sắc nét hơn.
Phóng viên có thể chỉnh sửa hình ảnh ngay tại hiện trường; viết tin, bài ngay tại cơ sở rồi truyền về tòa soạn bằng thiết bị không dây, đặc biệt là thực hiện việc đưa tin, tường thuật trực tiếp ngay tại hiện trường... Nhờ vậy, tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn khán, thính giả của mình.
Khi công nghệ làm báo thay đổi thì cách thức phản ánh sự kiện cũng có sự thay đổi. Một sự kiện xảy ra, trên một ấn phẩm, người ta có thể đưa tin, tường thuật, bình luận và cả thực hiện việc tương tác với khán giả, độc giả... giúp bạn đọc, bạn xem của tờ báo có cái nhìn đa chiều, đầy đủ và chân thực hơn trước mỗi sự kiện.
Thông qua mạng xã hội, người làm báo "săn” được tin tức nóng hổi; mở rộng hơn nữa sự lan tỏa của tác phẩm báo chí (chia sẻ tác phẩm báo chí lên mạng xã hội); nâng cao vị thế của tờ báo trong lòng bạn đọc (quảng cáo, truyền thông... về tờ báo của mình).
Có thể nói, mạng xã hội và báo chí chính thống đang có sự cạnh tranh quyết liệt. Tiếc rằng, nhiều lúc, nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, báo chí truyền thống đã lép vế trước mạng xã hội, không làm chủ được "trận địa” văn hóa tư tưởng, kẻ xấu lợi dụng sức lan tỏa rộng lớn của mạng xã hội tuyên truyền chống phá chế độ, dẫn dắt dư luận... Điển hình là hành động kích động người dân gây rối, tụ tập, biểu tình, chống phá chính quyền... cụ thể như những vụ việc "phản đối dự Luật An ninh mạng”, "Luật Đặc khu”...
Làm gì để báo chí và mạng xã hội đồng hành trên con đường phát triển, chung sức xây dựng xã hội văn minh? Câu trả lời không gì khác ngoài sự đổi mới, nâng cao chất lượng của các cơ quan báo chí thông qua việc ứng dụng công nghệ làm báo mới; thay đổi cách thức tiếp cận và phản ánh vấn đề, tăng khả năng tương tác; tiếp tục tranh thủ sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc... trên cơ sở căn bản là tôn chỉ mục đích của tờ báo cũng như những tính chất cơ bản của báo chí cách mạng.
Mỗi người làm báo phải ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức chính trị, kinh tế, xã hội, tu dưỡng đạo đức, tác phong, lối sống và luôn thể hiện trách nhiệm công dân của người làm báo.
Đối với mạng xã hội, song song với việc hoàn thiện chính sách, phổ biến pháp luật cũng như tổ chức thực thi các điều luật có liên quan một cách nghiêm minh, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.
Một người dùng mạng xã hội phải biết rõ rằng, một phát biểu, một vài dòng trạng thái hay một nội dung thông tin nào đó khi đưa lên cho dù chỉ mang tính chất cá nhân nhưng cả vạn, cả triệu người cùng nghe, cùng xem. Đôi khi cái hay, cái đúng, cái tốt lại ít được người khác quan tâm, chia sẻ; ngược lại, cái xấu, cái không có lợi lại được không ít người quan tâm, chia sẻ…
Chính vì những điều này khiến mạng xã hội đã và đang gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Khắc phục yếu kém, lạc hậu, phát huy những mặt tốt để cùng nhau xây dựng xã hội văn minh, đất nước giàu đẹp, đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt trong đó có báo chí chính thống và cả người dùng mạng xã hội.
Lê Phiên