Là một trong những đơn vị triển khai dạy thí điểm KNS, Trường TH Hồng Thái, phường Hồng Hà đã tổ chức được 15 tiết học trải đều ở cả 5 khối trong tháng cuối cùng của năm học 2018 - 2019.
Với 25 giáo viên được đào tạo, cấp chứng nhận dạy KNS, các tiết học được tổ chức, truyền tải đến học sinh là những câu chuyện thú vị, tình huống gần gũi, trực quan sinh động và có hoạt động trải nghiệm. Nhà trường đã phối hợp tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề phòng, chống bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em được học sinh hào hứng đón nhận, tham gia nhiệt tình.
Qua đó, học sinh dễ dàng nắm được bản chất vấn đề và ghi nhớ điều đó một cách tự nhiên, lâu bền và có tác động mạnh đến việc kích thích thay đổi hành vi.
Thầy giáo Trần Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường TH Hồng Thái trao đổi, để tham gia học KNS, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh có nguyện vọng cho con theo học nộp đơn đăng ký. Tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, có kinh phí phù hợp, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến chất lượng các môn học chính khóa.
"Kết thúc năm học, có 414 học sinh tham gia học KNS ngoài giờ lên lớp, chiếm tỷ lệ 55%. Mặc dù mới triển khai được một thời gian ngắn song về cơ bản, học sinh và phụ huynh rất ủng hộ việc dạy và học KNS trong nhà trường. Các tiết học được phân chia phù hợp với từng độ tuổi tương ứng với đặc điểm tâm sinh lý và đáp ứng được tính thực tế” - thầy Vân cho biết.
Ngày nay, bên cạnh việc thúc đẩy thành tích học tập, nhiều phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến việc dạy KNS cơ bản cho trẻ. Và trong bối cảnh xã hội phức tạp như hiện nay, họ còn cần trang bị cho con những kỹ năng và cách xử lý cần thiết để tự cứu mình, cứu bạn khi lâm vào tình trạng hiểm nguy, chẳng hạn như bị lạc đường, bị đe dọa cướp tiền và tài sản, bị xâm hại…
Để đáp ứng yêu cầu đó cần phải có cách dạy và học KNS bài bản, chuyên nghiệp. Và chương trình dạy KNS do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Big Ben được tổ chức, bước đầu bằng việc dạy thí điểm tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu trở thành công dân có đủ tự tin, trách nhiệm, tự lập, chủ động, có sức khỏe, hạnh phúc và thành công, thông qua chương trình học, trẻ sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng như: sức khỏe sinh tồn, đạo đức và ứng xử, tự phục vụ bản thân, trách nhiệm công dân, hiểu biết về kinh tế tài chính; giao tiếp hiệu quả, lãnh đạo và làm việc nhóm, phát triển bản thân; sáng tạo và đổi mới, tư duy phản biện, giải quyết và ra quyết định, học tập hiệu quả; khai thác xử lý thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại thành phố Yên Bái, 15/16 trường đã tổ chức thực hiện dạy thí điểm KNS ngoài giờ lên lớp theo đúng hướng dẫn của Sở (không tính Trường TH Nguyễn Trãi) với 5.624/6.942 học sinh tham gia.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, do triển khai dạy thí điểm vào thời điểm cuối năm học, các trường có nhiều công việc chuyên môn nên chưa tạo được sự đồng thuận của 100% phụ huynh; khó khăn trong bố trí thời gian dạy (Trường TH Nguyễn Phúc không tổ chức).
Ngoài ra, mặc dù, chương trình, giáo trình, tài liệu do Công ty Big Ben cung cấp đầy đủ, song tại các trường mới chỉ có 116 máy chiếu/196 lớp nên nhiều lớp không được xem video các tình huống trong chương trình; một số trường phải đảo tiết để áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy; một số giáo viên kỹ năng tổ chức các hoạt động cho học sinh chưa thật sự hiệu quả.
Hoài Anh