Trà sữa là món đồ uống ưa thích của Huyền Thư, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cũng như nhiều bạn trẻ khác. Thư chia sẻ: "Một tuần em uống từ 2-3 cốc, những ngày nắng nóng thì món đồ uống này thật sự là rất ngon. Những quán trà sữa trang trí rất đẹp, phù hợp với lứa tuổi chúng em nên đó còn là nơi để chúng em chụp ảnh, trò chuyện”.
Thư rất hiểu tác hại của rác thải nhựa, em cũng cùng gia đình hạn chế tối đa sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần nhưng với trà sữa thì Thư không có cách nào khác bởi họ chỉ bán và đóng vào cốc nhựa dùng một lần dù em có uống tại quán.
Hiện nay, trên toàn thành phố Yên Bái có khoảng gần chục quán trà sữa lớn, có thương hiệu (chưa kể những quán nhỏ), 100% các quán này đều sử dụng cốc và ống hút nhựa sử dụng một lần cho khách hàng, kể cả những khách hàng uống tại quán cũng được đóng như mang về.
Một ngày bình quân mỗi quán bán ra từ 150 - 200 cốc. Chỉ bằng một phép tính đơn giản có thể thấy mỗi ngày rác thải nhựa từ các quán trà sữa trên địa bàn thành phố Yên Bái khoảng từ 750 đến hàng nghìn chiếc cốc, chiếc ống hút nhựa. Chính sự tiện lợi trong sử dụng túi nilon cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng "khủng hoảng rác thải nhựa” hiện nay.
Nếu như trước đây, thói quen đi chợ của người dân khá giản tiện, vài tấm lá chuối, cái lạt, cọng rơm quấn là xong mớ rau, lạng thịt; hay sử dụng túi cói, làn nhựa để đi chợ thì giờ đây, túi nilon trở thành lựa chọn hàng đầu. Nhiều năm qua, hội phụ nữ các cấp đã có nhiều chương trình tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, nhiều nơi còn cấp phát miễn phí làn nhựa cho các bà nội trợ, nhưng tình hình không mấy được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Hà - phường Yên Ninh chia sẻ: "Hàng ngày, tôi đi chợ có mang theo làn nhựa cũng hạn chế được chút thôi. Ra chợ mọi người mang tay không, còn về xách theo túi nilon, túi trong túi ngoài. Tôi nghĩ mình tôi giảm túi nilon chẳng thấm vào đâu so với cả cộng đồng”.
Có lẽ, bởi chính điều này mà phong trào hạn chế sử dụng túi nilon chưa được hiệu quả. Một tiểu thương bán rau tại chợ Nam Cường, thành phố Yên Bái cho biết: "Mỗi ngày quầy của tôi dùng hết khoảng hơn 1kg túi to nhỏ các loại. Khách mua một quả cà chua hay vài cọng hành cũng phải một chiếc túi nhỏ, khách mua mớ rau muống cũng phải chiếc túi nhỡ. Tôi bán ở đây nhiều năm, khách đi chợ mang theo làn nhựa hoặc từ chối sử dụng túi nilon rất ít. Bây giờ bán hàng mà không có túi nilon chắc khách không mua”.
Cả chợ Nam Cường có khoảng trên 20 quầy hàng các loại, không khó có thể nhẩm ra được lượng túi nilon sử dụng mỗi ngày. Thế mới thấy chúng ta đã và đang sử dụng đồ nhựa, túi nilon một cách bừa bãi ra sao. Trong khi phải mất hơn 100 năm thì đồ nhựa, túi nilon mới có thể phân hủy nhưng chúng ta chỉ mất 10 phút sử dụng cốc nhựa đựng trà sữa sử dụng một lần hay một chiếc túi nilon. Liệu có đáng đánh đổi 100 năm để lấy 10 phút tiện dụng?
Tác hại của rác thải nhựa thì rất nhiều người đã nhận ra, song việc thay đổi hành vi thì không hề đơn giản. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội kêu gọi dùng các túi giấy, túi vải thay thế túi nilon, sử dụng ống hút inox thay cho ống hút nhựa dùng một lần, song việc từ chối sử dụng túi nilon hay từ chối dùng đồ nhựa dùng một lần hiện nay được xem như một hành động kỳ lạ.
Một bạn có bán ống hút inox thay thế ống hút nhựa tại Yên Bái chia sẻ: "Từ khi bán ống hút inox em đã bán được vài nghìn chiếc nhưng chủ yếu cho khách ở Sài Gòn, Hà Nội, còn ở Yên Bái thì không có. Ở Yên Bái chủ yếu em tặng cho người thân là chính”. Dùng ống hút inox thay thế ống hút nhựa có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như môi trường, song trên thực tế do phải vệ sinh lách cách nên ít người dùng.
Trong thời gian qua, nhiều tổ chức chính trị xã hội ở Yên Bái hưởng ứng lời kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Tỉnh đoàn Yên Bái với Ngày Chủ nhật xanh chung tay giảm rác thải nhựa; Hội Phụ nữ với phong trào hội viên phụ nữ không sử dụng túi nilon... song hiệu quả chưa cao.
Bởi vậy, khi chưa có được những giải pháp mạnh như một số quốc gia trên thế giới như: ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân hủy, đánh thuế nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất túi nilon, yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilon khi mua hàng… thì để thay đổi thói quen của người sử dụng các tổ chức chính trị xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền vận động, có những giải pháp hướng dẫn hội viên, đoàn viên hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải để có thể tái chế rác thải nhựa thay vì đổ đống chờ phân hủy như hiện nay, nếu không chẳng mấy chốc bãi rác thành phố không còn chỗ để chứa tiếp.
Thanh Vy