Xác định rõ việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã chủ động xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với các thôn tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, nâng cao đời sống nhân dân.
Xã khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chỉ đạo các thôn thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư vào các mô hình phát triển sản xuất và mua sắm máy móc, vật tư, cây, con giống…
Năm 2018, toàn xã gieo trồng 693 ha cây lương thực, trong đó, lúa xuân đạt 94 ha; vụ mùa 94 ha, lúa nương 90 ha, ngô xuân 285 ha, ngô hè 130 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.085,3 tấn, trong đó, thóc đạt 981,8 tấn, ngô 1.103,5 tấn. Vụ xuân năm 2019, xã đã chỉ đạo gieo trồng 96 ha lúa nước, tăng 2 ha so với vụ xuân năm 2018, năng suất lúa bình quân đạt trên 40 tạ/ha.
Là xã vùng cao, có 428 hộ, với 2.231 nhân khẩu, hầu hết lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày đều do người dân tự cung, tự cấp nên Đảng ủy, chính quyền xã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân trồng hàng chục héc - ta các loại rau, củ, quả như: khoai lang, khoai sọ, sắn, đỗ, đậu, bí, su su, cải bắp, cải canh… Bên cạnh đó, chỉ đạo các hộ tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, đàn trâu của xã có 612 con, bò 272 con, lợn gần 1.200 con và có khoảng trên 6.000 con gia cầm.
Là địa bàn vùng cao, đất đồi chiếm diện tích lớn nhưng người dân đã xóa bỏ dần tập quán làm nương rẫy. Hiện nay, hầu hết các hộ trong xã đều tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng và nhà ít thì có từ 1 đến 2 ha, nhiều thì có gần chục héc - ta. Diện tích rừng toàn xã năm 2018 là 729,7 ha, trong đó có 327,3 ha rừng tự nhiên phòng hộ, 144,1 ha rừng tự nhiên sản xuất, 258,3 ha rừng trồng phòng hộ.
Trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân đã được hưởng lợi từ phí chi trả bảo vệ rừng và phí dịch vụ môi trường rừng. Năm 2019, xã Pá Hu đã nhận về 186 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng và 190 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các hộ dân.
Thực hiện chỉ đạo của xã, ông Lò Văn Ngô đã tích cực đổi mới phương thức sản xuất, với 1.200 m2 đất ruộng, 4.000 m2 đất nương sản xuất ngô, ông tích cực sản xuất 2 vụ/năm. Nhờ đó, gia đình ông thu nhập đạt trên 2 tấn thóc/năm và gần 6 tấn ngô/năm. Cùng đó, ông còn phát triển chăn nuôi và nhận khoán bảo vệ rừng, hiện nay gia đình đã có 2 con trâu, 200 con gà và 1 ao nuôi cá.
Ở thôn Cang Dông, không chỉ riêng gia đình ông Ngô có cuộc sống ổn định mà toàn thôn đã có 22 hộ/71 hộ thoát nghèo. Đời sống được nâng lên, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, gia đình nào cũng có mái nhà lợp tấm lợp fi bro - xi - măng. Ngoài việc xây dựng nhà cửa, nhân dân trong xã còn tích cực đóng góp công sức, tiền của mở mới và sửa chữa các tuyến đường giao thông liên thôn, đường đi vào vùng sản xuất.
Năm 2018 và quý I năm 2019, nhân dân xã Pá Hu đã bê tông hóa được 900 m đường liên thôn, trong đó thôn Cang Dông thực hiện được 340 m, thôn Háng Gàng thực hiện đạt 230 m, thôn Tà Tầu thực hiện đạt 320 m, nhờ đó, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân trong và ngoài xã thuận lợi hơn.
Nhờ thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới tư duy, xóa bỏ tập quán lạc hậu nên đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Ông Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: "Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 7 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này tuy còn thấp nhưng với vùng cao như Pá Hu thì đây là cả một quá trình phấn đấu của nhân dân để nâng dần mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/năm lên 6 triệu đồng/người/năm…”.
Sùng A Hồng