Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, huyện đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng DTTS, mang lại hiệu quả cao.
Từ trung tâm phố huyện Cổ Phúc đến Báo Đáp, Đào Thịnh, Y can, Quy Mông, hay các xã vùng sâu, vùng cao như Kiên Thành, Hồng Ca đến Tân Đồng, Minh Quán… đã có những đổi thay kỳ diệu.
Cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, đã và đang đáp ứng cho phát triển, đồng bào các dân tộc từ người Kinh đến người Tày, Dao, Cao Lan, Mông… đoàn kết một lòng cùng chung tay, chung sức xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Các hình thức sản xuất mới, tư duy mới đã được áp dụng trên các cánh đồng, xứ đồng đến mỗi bản làng, thôn, xóm. Nhân dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS khắc phục khó khăn, tích cực phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bên cạnh đó, phải nói đến sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn, chỉ riêng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, Chương trình 135 giai đoạn 2014 -2019 đã có tổng kinh phí trên 71 tỷ đồng.
Trong đó, đã xây dựng 116 công trình giao thông, điện, ngầm tràn, ngòi tràn và duy tu, bảo dưỡng trường lớp học, cầu treo, kè cống…
Hỗ trợ trên 6.214 công cụ sản xuất, 375 con gia súc, hàng trăm ngàn con gia cầm các loại, hàng chục tấn giống lúa, ngô và hàng vạn cây giống lâm nghiệp, chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, với mục tiêu đưa trồng dâu, nuôi tằm thành ngành kinh tế mũi nhọn và làm giàu trong nông nghiệp nông thôn, huyện đã hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhà nuôi tằm, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân…
Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả như: chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo tại 15 xã vùng khó khăn với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng; chính sách cấp thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được 131.321 thẻ… Hay như hàng loạt chính sách tín dụng cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn…
Từ những cơ chế chính sách, sự nỗ lực vươn lên trong sản xuất, sản xuất nông lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đã có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: vùng tre măng Bát độ 3.000 ha, vùng quế 15.000 ha, vùng dâu tằm 500 ha, vùng cây ăn quả có múi 700 ha…
Bên cạnh đó, trong chăn nuôi cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo.
Toàn huyện có 592 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (298 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 243 cơ sở chăn nuôi lợn, 38 cơ sở chăn nuôi gia súc và 13 cơ sở chăn nuôi thỏ).
Trấn Yên hôm nay cũng là huyện dẫn đầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tính đến hết tháng 5/2019, huyện Trấn Yên đã có 16 xã đạt chuẩn NTM, hiện còn 5 xã thì có 3 xã là Lương Thịnh, Việt Hồng và Hòa Cuông đã đạt 26-18 tiêu chí, xã Hồng Ca, Kiên Thành đạt 12 - 15 tiêu chí. Huyện phấn đấu trong năm 2019 tất cả các xã trên địa bàn đạt xã NTM.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Trấn Yên sẽ tích cực huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất theo chuỗi giá trị… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Ngọc Trúc