Chào mừng Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn lần thứ III (nhiệm kỳ 2019 - 2024)

Hiệu quả từ công tác dân tộc ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/6/2019 | 7:44:31 AM

YênBái - Nằm ở phía Tây của tỉnh, Văn Chấn là nơi sinh sống của 15 vạn người, với 18 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 70%.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông thôn Bu Cao, xã Suối Bu đã định canh, định cư ổn định cuộc sống.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông thôn Bu Cao, xã Suối Bu đã định canh, định cư ổn định cuộc sống.

Nhận thức rõ việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, công tác dân tộc nhiệm kỳ 2014 - 2019 tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp của huyện Văn Chấn quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên, bộ mặt nông thôn, miền núi của huyện không ngừng đổi thay. 

Tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiệm kỳ qua, huyện Văn Chấn đã tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và vùng khó khăn. Trong đó, Chương trình 135 giai đoạn 2014 - 2019, với tổng mức đầu tư 104.684 triệu đồng không chỉ hoàn thiện về hạ tầng cơ sở mà đã giúp trên 2.000 hộ thoát nghèo bền vững. 

Thực hiện các chính sách hỗ trợ định canh định cư của Chính phủ, huyện đã triển khai 2 dự án định canh định cư tập trung cho 93 hộ, trên 500 nhân khẩu tại thôn Chiềng Pằn 1, xã Gia Hội và bản Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ 21.937 triệu đồng. 

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 1.138 hộ thiếu đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 4.002 hộ, hỗ trợ máy móc nông cụ phát triển sản xuất cho 403 hộ... từ đó, trên địa bàn huyện không còn tình trạng du canh du cư. 

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2019, với tổng kinh phí đầu tư hơn 323,757 triệu đồng và huy động tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đến nay, đường giao thông về các xã cơ bản được kiên cố; trên 95% thôn, bản có đường giao thông có thể đi được xe cơ giới (từ xe máy trở lên); 100% xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động; 80% diện tích trồng lúa nước đảm bảo tưới tiêu; 95% hộ được sử dụng điện thường xuyên; 67% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… 

Cùng với các chính sách của Trung ương, qua triển khai các chính sách của tỉnh, hàng ngàn hộ dân trong đó có trên 60% hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ cây, con giống các loại để phát triển kinh tế. Từ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án mà tổng sản phẩm trên địa bàn huyện Văn Chấn bình quân/người/năm (GRDP) năm 2018 đạt 38,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 4 - 7%/năm, tương đương giảm từ 1.500 đến trên 2.500 hộ; hết năm 2018, huyện còn 22,27% hộ nghèo. 

Có 7/28 xã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 4 xã hoàn thành từ 14 -18 tiêu chí; 4 xã hoàn thành từ 9 -13 tiêu chí, trong đó xã Hạnh Sơn là xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu chương trình.

Cùng với quan tâm phát triển kinh tế nâng cao đời sống, lĩnh vực văn hóa - xã hội trong đồng bào DTTS cũng được huyện hết sức quan tâm. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 100% trẻ 5 tuổi, trong đó có con em người DTTS được ra lớp mẫu giáo; 99,8% số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học THCS; 100% xã, phường, thị trấn có trường học kiên cố và nhà ở công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi có học sinh bán trú. 

Giai đoạn 2015 - 2019, đã thực hiện hỗ trợ trên 10.500 lượt học sinh, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 70,500 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở trên 49,200 triệu đồng; hỗ trợ gạo trên 21,3 triệu đồng. Chính sách trên đã giúp học sinh DTTS sinh sống ở vùng ĐBKK có điều kiện học tập, tăng tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập. Hàng năm, số học sinh người DTTS tốt nghiệp THCS và thi vào các trường THPT, các trường dạy nghề ngày càng cao. 

Quan tâm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong nhiệm kỳ, đã thực hiện cấp thẻ BHYT cho 455.499 lượt người (trong đó người DTTS là 440.733 lượt người; người Kinh sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK là 14.766 lượt người) với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng. Mạng lưới trạm y tế và nhân lực phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Nâng cao nhận thức và kiến thức cho đồng bào DTTS, bên cạnh cung cấp đầy đủ đầu báo, tạp chí, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến vùng đồng bào DTTS được thực hiện tốt. Huyện còn thực hiện chính sách đối với người có uy tín, khích lệ họ hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần vào việc bảo đảm ổn định tình hình địa phương, không để xảy ra "điểm ấm, điểm nóng” về an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS. Từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hiện nay, toàn huyện có 75% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, 50% số thôn, bản, khu phố được công nhận đạt tiêu chí văn hóa. 

Các lễ hội truyền thống được tổ chức tốt đã khơi dậy và biểu dương lòng tự hào, tinh thần yêu nước, hăng say lao động và tinh thần thượng võ của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đặc biệt, Đề án "Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới” được triển khai không chỉ đồng bào dân tộc Mông mà hầu hết đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ. Bà con chung tay xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

Cùng với đó, Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ người DTTS. Đối với cấp huyện, đến nay, 56,1% (23/41) Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; 33,3% (3/9) cán bộ chủ chốt; 73,7% đại biểu HĐND huyện; 40,7% cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan Đảng, đoàn thể; 14,7% cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan hành chính Nhà nước; 19,56% cán bộ công chức trong khối tư pháp là người DTTS. 

Đối với cấp xã, thị trấn, 71,6% cán bộ chủ chốt các xã; 71,8% ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn; 49,1% đại biểu HĐND; 74% chức danh bầu cử; 78,4% chức danh bổ nhiệm là người DTTS. Nhiều cán bộ DTTS tiếp tục được tham gia học tập các lớp đề án đào tạo cán bộ của tỉnh và Trung ương. 

Những kết quả trong công tác dân tộc trong nhiệm kỳ qua của huyện Văn Chấn là hết sức to lớn và ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống cũng như bộ mặt nông thôn miền núi, vùng DTTS, xây dựng huyện giàu mạnh. 

Đại hội các đại biểu DTTS lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 - 2024 huyện Văn Chấn với Chủ đề: "Các dân tộc huyện Văn Chấn đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Qua Đại hội sẽ tập trung: đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS trên địa bàn; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và mức sống cho vùng đồng bào DTTS gắn với an ninh chính trị, giải quyết các vấn đề xã hội; triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các chính sách dân tộc gắn với các chính sách an sinh xã hội; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS... 

Đình Tứ

Tags Văn Chấn DTTS chính sách công tác dân tộc ĐBKK

Các tin khác
Có thẻ BHYT điện tử, khi đi khám, người bệnh không phải mang theo nhiều giấy tờ.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc chuyển đổi sang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH.

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VI (mở rộng) nhằm đánh giá hoạt động công tác công đoàn 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ông Giàng A Súa - Trưởng bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh Trường TH&THCS Kiên Thành.

Thời gian qua, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện Trấn Yên diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo số liệu thống kê năm 2017 có 1.237 trẻ sinh ra thì có 109 trẻ là con thứ 3 trở lên; 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) tại xã Hồng Ca; 18 trường hợp tảo hôn (trong đó Hồng Ca 13 trường hợp, Kiên Thành 3, Việt Hồng 2).

Cán bộ xã Quy Mông quản lý, vận hành đài truyền thanh cấp xã công nghệ mới.

Đầu năm 2019, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã bàn giao và đưa vào sử dụng thử nghiệm mô hình đài truyền thanh công nghệ mới của Mobifone tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Sau gần 6 tháng sử dụng, mô hình đã dần thể hiện được những ưu điểm, tính năng thông minh cũng như những hạn chế cần khắc phục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục