Ngay khi nghe tin giá điện tăng trên 8%, bà Dương Thị Phái ở tổ dân phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc và nhiều người trên địa bàn thành phố Yên Bái không khỏi lo lắng, bởi giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu sẽ tăng theo, trong đó, có giá nước sinh hoạt. Nhưng khi đến điểm thu tiền nước của Công ty Cấp nước, bà và nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì nước vẫn chưa hề tăng giá.
Từ đầu năm đến nay, khi giá điện, giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cũng rục rịch tăng giá khiến cho người tiêu dùng thêm gánh nặng chi tiêu; các doanh nghiệp phải nâng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ở thành phố Yên Bái, giá nước sinh hoạt vẫn ở mức ổn định do Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái (viết tắt là Công ty Cấp nước) đã, đang thực hiện nhiều biện pháp giảm chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ thất thoát và cắt giảm lợi nhuận.
Bà Phái phấn khởi: "Giá điện tăng cao như hiện nay, những người hưu trí như chúng tôi rất lo lắng, nhưng cũng rất may giá nước sinh hoạt đến nay vẫn giữ ổn định nên phần nào động viên chúng tôi yên tâm”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người lo lắng cho rằng, Công ty Cấp nước chưa kịp tăng giá nước chứ điện đã tăng thì thế nào nước cũng sẽ tăng. Để giải tỏa những lo lắng này, chúng tôi đã đến Công ty Cấp nước tìm hiểu thực hư và được biết, hiện tại Công ty sẽ không tăng giá nước sinh hoạt, bởi đang thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, nguồn năng lượng chính để vận hành sản xuất của doanh nghiệp cấp nước là điện năng nên việc tác động bất lợi của giá điện đến tình hình sản xuất kinh doanh là khó tránh khỏi. Trung bình mỗi năm, Công ty tiêu tốn trên 3 tỷ đồng cho tiêu dùng điện.
Đơn cử, năm 2018, Công ty đã phải bỏ ra trên 3,4 tỷ đồng để chi trả cho ngành điện, trong khi giá nước hiện tại vẫn bán theo đơn giá cũ nên việc tăng giá điện là áp lực không nhỏ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trước thực tế trên, để Nhà nước không phải bù lỗ cho Công ty và đảm bảo lương, các chế độ khác cho cán bộ, nhân viên, Ban Giám đốc Công ty đã và đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.
Bà Hồ Thị Thanh Hương - Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Công ty Cấp nước cho biết: để tháo gỡ khó khăn, Phòng đã chủ động tham mưu với ban lãnh đạo Công ty các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả thu hồi sản phẩm nước, đảm bảo không nâng giá thành phẩm mà vẫn đảm bảo lợi nhuận; đặc biệt là việc thực hiện tiết kiệm điện năng, các chi phí khác ở tất cả các khâu.
Trên cơ sở đó, Công ty sẽ sắp xếp sản xuất phù hợp, chú trọng cải tạo đường ống, thay thế định kỳ thiết bị đồng hồ đo nước để hạn chế lượng nước thất thoát. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, thực hiện thay thế, lắp đặt thiết bị và giải đáp kịp thời những thắc mắc của khách hàng sử dụng nước.
5 tháng đầu năm 2019, Công ty đã sản xuất trên 1,2 triệu mét khối nước thành phẩm và tiêu thụ trên 1.000 m3 nước; tỷ lệ thất thoát nước ở mức 29%; sản lượng tiêu thụ điện năng trên 400.000 KW; doanh thu vẫn có mức tăng trưởng khá, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Công ty nhận định: hiện nay, giá nước trung bình của Công ty vẫn giữa ở mức gần 7.000 đồng/m3, thấp hơn nhiều so với giá mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành trong nước. Sở dĩ, trước mắt Công ty không đề nghị tăng giá là để giảm tác động tiêu cực.
Nhưng tới đây, để mở rộng công suất và địa bàn phục vụ nước sinh hoạt, Công ty sẽ thực hiện thoái vốn Nhà nước. Khi đó, bắt buộc doanh nghiệp đầu tư sẽ phải tăng giá sử dụng nước trên cơ sở tính toán chi phí kinh doanh thực tế để thu hồi vốn đầu tư và thực hiện đúng cam kết với tỉnh.
Trần Ngọc