Để công tác VSATTP đạt hiệu quả, vì lợi ích, sức khoẻ của người dân, ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành VSATTP tại các cơ sở, nhà hàng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tuyên truyền rộng rãi và tăng cường các biện pháp kiểm tra đảm bảo chất lượng VSATTP, nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc, bệnh lây truyền qua đường thực phẩm.
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện nhanh chóng kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo công tác VSATTP ở các tuyến; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; ban hành các văn bản chỉ đạo, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP tại các tuyến; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt thanh tra liên ngành về VSATTP tại tuyến huyện…
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về VSATTP được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra đột xuất quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành khác khi có chỉ đạo của UBND huyện.
Đồng thời, huyện tiếp tục tăng cường giám sát tình hình ô nhiễm, ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm tập trung chủ yếu tại các cơ sở nấu rượu thủ công, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở thức ăn đường phố, tiệc cưới hỏi, ma chay.
Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, huyện Lục Yên còn chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục về VSATTP thông qua các hoạt động như: hưởng ứng "Tháng hành động VSATTP” với Chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức VSATTP trong các nhà trường, các hội, đoàn thể; tập huấn cho cán bộ chuyên trách VSATTP tuyến huyện, xã, cán bộ y tế xã, y tế thôn, bản; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng pa nô, áp phích, lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể từ cấp huyện đến các thôn, bản, tổ dân phố…
Ông Hoàng Văn Liêm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết: "Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, trước hết mỗi người dân cần tự nâng cao hiểu biết để lựa chọn những loại thực phẩm, hàng hóa chất lượng, rõ nguồn gốc, việc chế biến, bảo quản thực phẩm hàng ngày cũng phải được chú trọng, thực hiện đúng. Đặc biệt, những năm gần đây có chiều hướng gia tăng các ca ngộ độc vì uống rượu, uống nước các loại cây từ rừng, ăn nấm, rau rừng, vì vậy nếu không rõ nguồn gốc thì không nên dùng bừa bãi”.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự nỗ lực của các ngành liên quan, năm 2018 đã có gần 20 đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP tại 77 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trong huyện.
Trong đó, có 61 cơ sở đạt yêu cầu, 4 cơ sở bị xử lý hành chính, thu phạt 3 triệu đồng; tổ chức tập huấn cho hơn 260 người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho hơn 150 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc ngành công thương quản lý; phát 192 tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh huyện; treo 68 băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát 72 băng, đĩa nội dung về VSATTP…
Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã tiến hành kiểm tra 394 cơ sở, sản xuất chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Trong đó, cấp huyện 45 cơ sở, cấp xã 349 cơ sở.
Qua công tác kiểm tra, có 371 cơ sở đạt yêu cầu, 23 cơ sở vi phạm VSATTP về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về con người và chất lượng sản phẩm…
Thực phẩm an toàn góp phần quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống và sức khỏe con người, do vậy huyện xác định, việc đảm bảo VSATTP không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là sự nỗ lực của cả cộng đồng xã hội.
Trần Ngọc