Theo báo cáo của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT), đến thời điểm này, công tác chấm thi cả tự luận lẫn trắc nghiệm ở các địa phương trên cả nước cơ bản hoàn tất và đang tiến hành những bước cuối cùng như nhập điểm, soi dò, sửa lỗi... để chuẩn bị công bố điểm đến phụ huynh, thí sinh (TS).
Điểm thi cao nhất bài ngữ văn là 9,25
Đó là mức điểm cao nhất tính đến thời điểm này sau khi ghi nhận trên dưới 40 tỉnh/thành hoàn tất chấm bài thi ngữ văn. Và đơn vị có nhiều điểm cao này nhất là Nam Định, khi có đến 8/9 bài của cả nước đạt 9,25 điểm (bài thi còn lại thuộc về tỉnh Phú Thọ).
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT tỉnh này, toàn tỉnh chỉ có hơn 18.039 bài thi ngữ văn nhưng lại có đến 574 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, 22 bài thi ngữ văn đạt điểm từ 9 trở lên. Tuy nhiên, tỉnh này cũng có 18 bài thi bị điểm liệt (1 điểm trở xuống). Để đảm bảo chính xác, ban chấm thi của tỉnh này đã chấm lại 30% bài thi, nhất là những bài có điểm cao sẽ được soi xét kỹ hơn.
Tại TP.HCM, điểm thi ngữ văn năm nay được đánh giá là "buồn” khi có đến 68.619 bài nhưng điểm cao ít. Dù gần 90% số bài thi đạt trên trung bình nhưng toàn TP chỉ có 1.366 bài đạt từ 8 điểm trở lên, chỉ có sáu bài điểm 9, không có điểm 10.
Nhìn chung, phổ điểm bài thi này ở các địa phương năm nay chủ yếu 5-7 điểm, mức điểm cao trên 8 khá hạn chế, thậm chí có nhiều điểm liệt.
Về việc chấm bài thi trắc nghiệm tại TP.HCM cũng như ở nhiều địa phương, công tác chấm trắc nghiệm đã hoàn tất cơ bản ngày 7-7. Sau khi các ban đã quét xong toàn bộ số bài thi và đang tiến hành những bước cuối cùng trong việc soi dò, kiểm tra lỗi bài thi... để hoàn tất, gửi về Bộ GD&ĐT. Do chấm bằng máy và tất cả số liệu đều được mã hóa để tránh sự can thiệp bên ngoài nên chưa đánh giá được điểm thi năm nay.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết hầu hết các địa phương đã hoàn tất việc chấm thi THPT quốc gia 2019 và gửi kết quả về Bộ. Hiện các hội đồng thi tiến hành xuất kết quả thi từ phần mềm để sao lưu theo chế độ bảo mật và đối sánh kết quả với hệ thống của Cục Quản lý chất lượng. Chậm nhất vào ngày 13-7 sẽ hoàn tất để sẵn sàng cho việc công bố điểm.
"Việc chấm thi năm nay ở các địa phương diễn ra đúng quy trình, nghiêm túc và đúng tiến độ. Phần mềm chấm thi năm nay dù có nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn nên việc công bố điểm thi sẽ chậm hơn ba ngày so với năm trước, tức ngày 14-7 là khả quan để TS biết điểm” - ông Trinh khẳng định.
Một đợt duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, các TS sẽ bắt đầu cho hàng loạt việc quan trọng để đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển ĐH-CĐ của mình.
Cụ thể, từ ngày 14 đến 22-7, các TS được quyền xin phúc khảo bài thi. Theo quy chế, TS đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó. Đơn vị tiếp nhận sẽ chuyển dữ liệu TS xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho TS.
Theo Bộ GD&ĐT, quy trình phúc khảo bài thi năm nay có sự khác biệt giữa bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm. Với bài tự luận, việc phúc khảo mỗi bài do hai cán bộ chấm thi thực hiện và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của TS, chấm hai vòng độc lập. Nếu số điểm khác nhau sẽ có thêm vòng chấm của trưởng ban phúc khảo. Kết quả sẽ lấy điểm giống nhau hoặc trung bình cộng của cả ba giám khảo (nếu khác).
Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản).
Một việc quan trọng nhất là TS sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ chỉ một lần duy nhất, diễn ra từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 29-7 theo phương thức trực tuyến qua cổng thông tin của TS hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển tại nơi nhận hồ sơ (hạn chót là 17 giờ ngày 31-7).
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT và các trường ĐH-CĐ cũng khuyến cáo TS nên cân nhắc kỹ về điểm số, sở thích, năng lực cũng như tìm hiểu kỹ ngành nghề lẫn trường mình sẽ học trước khi điều chỉnh nguyện vọng.
Để thuận lợi cho TS, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, từ ngày 16 đến 18-7, các TS sẽ được điều chỉnh nguyện vọng "nháp”. Tức bộ sẽ mở cổng thông tin tuyển sinh để TS và các điểm tiếp nhận hồ sơ thực hành thử nghiệm việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến và bằng phiếu.
Theo Thứ trưởng An, đây chỉ là giai đoạn chạy thử phần mềm, giúp TS và điểm tiếp nhận hồ sơ làm quen. Kết quả này sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc đợt chạy thử và hệ thống sẽ được làm mới để TS chính thức điều chỉnh nguyện vọng theo kế hoạch.
Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 18-7
Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, việc xét tốt nghiệp năm nay có sự điều chỉnh so với mọi năm theo tỉ lệ 70% (kết quả bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình học lực và rèn luyện cả năm lớp 12). Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu chậm nhất ngày 16-7, các sở GD&ĐT phải cập nhật danh sách TS được công nhận tốt nghiệp THPT vào hệ thống quản lý thi. Ngày 18-7 là hạn cuối cùng công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Và chậm nhất ngày 21-7 sẽ cấp giấy chứng nhận kết quả thi và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời.
Với bài thi trắc nghiệm, điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của TS trong kỳ thi. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý TS nên cân nhắc kỹ trước khi nộp đơn xin phúc khảo bài thi. |
(Theo PLO)