Vợ chồng ông Phan Văn Thắng và bà Phạm Thị Loan ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đều bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Tây Nguyên từ những năm 1968 - 1975. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, niềm vui sống trong hòa bình, vợ chồng ông bà Loan Thắng quặn thắt nỗi đau khi sinh được 3 người con thì người con gái thứ hai không được bình thường. Dù năm nay đã hơn 40 tuổi nhưng chị Phan Thị Nga - con gái ông bà vẫn chỉ như một đứa trẻ.
Khó khăn là thế nhưng hai vợ chồng ông bà vẫn đồng sức, đồng lòng vừa nuôi các con trưởng thành vừa tích cực phát triển kinh tế. Tận dụng đất vườn, ông Thắng trồng cây ăn quả như bưởi, táo, xây chuồng trại nuôi lợn, gà, mỗi năm cũng đem lại nguồn thu khoảng 50 triệu đồng, giúp ông bà ổn định cuộc sống.
CĐDC không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người lính trên chiến trường mà nỗi đau đó còn ảnh hưởng các thế hệ con cháu của họ. Trong số những thế hệ thứ 2 bị nhiễm CĐDC, có nhiều người đã tự vươn lên làm giàu bằng bàn tay, khối óc của mình.
Anh Nguyễn Văn Minh - tổ 5, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) là một điển hình. Anh Minh là con trai cả của ông Nguyễn Văn Tình - nạn nhân nhiễm chất CĐDC từng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Ông Tình sinh được 5 người con, trong đó anh Minh và một người em trai nữa đều bị ảnh hưởng bởi CĐDC.
Sức khỏe anh Minh không được tốt, thường xuyên bị đau đầu và bị dị tật một bên tai. Với quyết tâm mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình, từ khi lấy vợ, anh Minh chịu khó xoay xở tìm hướng làm ăn. Đến nay, vợ chồng anh Minh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Anh Minh chia sẻ: "Người lành lặn làm kinh tế đã rất khó khăn, họ cố gắng 1 thì chúng tôi phải cố gấp 10; chưa kể nhiều lúc vật nuôi bị bệnh, giá cả bấp bênh, tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Nhưng vì muốn cho các con mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được học hành đầy đủ, tôi lại vực dậy tinh thần, chịu khó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và làm bằng được”.
Hiện nay, trong chuồng nhà anh Minh lúc nào cũng có 3 con lợn lái, 500 con gà, mỗi năm trung bình cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 1.800 hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, trong đó có 1.350 người đang được hưởng chế độ, chính sách. Với khẩu hiệu: "Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC”, để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế thoát nghèo, hai năm trở lại đây, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Yên Bái đã vận động các tổ chức, cá nhân được 200 triệu đồng giúp đỡ cho gần 30 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi; hỗ trợ xây mới cho 3 gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở, mở các lớp dạy nghề cho nạn nhân CĐDC, hỗ trợ điều trị bệnh cho trên 150 lượt hội viên và thường xuyên thăm hỏi động viên hội viên giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: "Sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân cũng như sự cố gắng của các cấp Hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân nhiễm CĐDC trong tỉnh".
"Tuy nhiên, so với sự mất mát to lớn của các nạn nhân CĐDC thì những cố gắng bù đắp đó vẫn còn rất nhỏ bé. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để vận động kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân nhiễm CĐDC, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp họ có thêm ý chí và nghị lực vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Dũng nói.
Thu Hiền