Đợt điều tra lần này là thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Dân số - Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, từ tháng 3/2019, Tổng cục Thống kê đã tiến hành thiết kế phiếu điều tra. Trong cuộc điều tra lần này, sẽ sử dụng 02 loại phiếu điều tra: Phiếu hộ để thu thập thông tin bằng chương trình phần mềm được thiết kế sử dụng cho máy tính bảng và điện thoại thông minh; Phiếu xã được thiết kế để cấp xã trả lời thông tin trực tuyến trên Internet.
Dự kiến sẽ có khoảng 15 nghìn điều tra viên tiến hành điều tra hộ, tương đương khoảng 15 nghìn địa bàn điều tra. So với cuộc điều tra lần đầu vào năm 2015, trong cuộc điều tra lần này, các điều tra viên được hỗ trợ thu thập thông tin trên các phương tiện thông minh, giúp cho việc cập nhật, tổng hợp kết quả điều tra thuận lợi hơn.
Trong cuộc điều tra năm nay, có 98 chỉ tiêu được thu thập thông tin, chia thành 10 nhóm nội dung: dân số; lao động; đói nghèo và an sinh xã hội; an toàn xã hội và an ninh trật tự; văn hoá, xã hội; tiếp cận giáo dục; tiếp cận y tế; tiếp cận cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số; tôn giáo người dân tộc thiểu số.
Trước khi tiến hành chính thức cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê đã điều tra thí điểm tại 2 tỉnh Lai Châu và Sóc Trăng để xin ý kiến hoàn thiện các chương trình phần mềm, các tài liệu điều tra cũng như các nguyên tắc kết nối dữ liệu điều tra.
Quá trình điều tra thí điểm cho thấy một số khó khăn mà các điều tra viên sẽ gặp phải khi tiến hành thu thập thông tin. Đó là tình trạng một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không hiểu tiếng phổ thông, đồng thời một bộ phận điều tra viên cũng không biết tiếng dân tộc thiểu số, trong khi số lượng chỉ tiêu phải thu thập thì nhiều. Những rào cản về ngôn ngữ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập được.
Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Dân số - Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê và Uỷ ban Dân tộc sẽ bố trí một lực lượng phiên dịch và cán bộ liên hệ địa bàn để tạo điều kiện cho các điều tra viên thu thập đươc thông tin thuận lợi, chính xác nhất.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã biên soạn sổ tay hướng dẫn điều tra, xây dựng đĩa MP3 hỏi - đáp về cuộc điều tra bằng 6 thứ tiếng (Việt, Nùng, Mông, Ê Đê, Khmer, Chăm) để tuyên truyền trên đài truyền thanh xã và Đài Tiếng nói Việt Nam. Đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Uỷ ban Dân tộc sẽ có công văn đề nghị chỉ đạo biên soạn tài liệu để tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số khác phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đánh giá, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo nguồn dữ liệu, số liệu cập nhật phục vụ cho việc tham mưu, hoạch định chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng báo cáo phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Đối với 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số, miền núi, kết quả cuộc điều tra lần này sẽ là cơ hội để các địa phương nắm lại thực trạng kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, xây dựng dự thảo báo cáo chính trị và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đảm bảo chính xác, thuyết phục, khả thi.
Dự kiến, ngày 01/10, lễ ra quân điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức tại một xã thuộc tỉnh Hoà Bình. Cuối tháng 12/2019, Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê sẽ công bố kết quả sơ bộ của cuộc điều tra.
(Theo dangcongsan.vn)