Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tác động không nhỏ đến sức khỏe của con người, đặc biệt một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt, bệnh ký sinh trùng đường ruột, suy dinh dưỡng ở trẻ em, ngộ độc thực phẩm, viêm màng não…
BĐKH cùng với sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Thông thường, sau thiên tai môi trường thường bị xáo trộn, nguồn nước bị ô nhiễm và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.
Trước những BĐKH ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ngành y tế huyện Lục Yên đã chủ động nâng cao khả năng ứng phó nhằm phòng, ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy hại của môi trường. Mục tiêu đến năm 2030 là 100% số cán bộ y tế trên địa bàn huyện được truyền thông và tập huấn về ứng phó với BĐKH; 100% các phòng, ban ngành liên quan UBND các xã, thị trấn triển khai các hoạt động giáo dục, truyền thông về BĐKH và sức khỏe cho cộng đồng; tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của các cơ sở y tế trên địa bàn, phấn đấu ít nhất 80% số cơ sở y tế xây mới trên địa bàn có áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH, 70% số trạm y tế tại các xã dễ bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH có đủ năng lực và cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng một cách có hiệu quả các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan.
Đến năm 2050, bảo đảm các cơ sở y tế trên địa bàn có đủ năng lực, nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và hiệu quả đối với các tác động của BĐKH đến sức khỏe. Là cơ quan thường trực thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH, ngành y tế huyện Lục Yên đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở trực thuộc tổ chức triển khai các hoạt động, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các phòng, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để thực hiện; tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí, ứng phó với BĐKH.
Củng cố phát triển mạng lưới y tế dự phòng, mạng lưới kiểm soát dịch bệnh ở cơ sở có đủ năng lực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới, không để lây nhiễm, giám sát và khống chế dịch bệnh trong điều kiện BĐKH; bảo đảm cơ sở vật chất cho khám, chữa bệnh, bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân khi xảy ra các trường hợp gia tăng người nhập viện do các hiện tượng thời tiết cực đoan, các bệnh nhạy cảm với BĐKH; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm do các yếu tố liên quan đến BĐKH.
Ông An Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Để ứng phó với BĐKH, địa phương triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp, lồng ghép nội dung bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng trước tác động của BĐKH vào các chương trình kế hoạch, đề án, dự án có liên quan của huyện; từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế, đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, trang thiết bị bảo đảm phục vụ công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh thích ứng với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan, chú trọng các địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của BĐKH".
"Thu hút các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động ứng phó với BĐKH của ngành y tế, các chính sách sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo các tác động của BĐKH đến sức khỏe, tích hợp với các hệ thống thông tin chuyên ngành y tế". - ông Nam nói.
Phạm Quang