Với trẻ mầm non nói chung và trẻ khối mẫu giáo lớn nói riêng, trường tiểu học là một thế giới rất lạ lẫm đối với bé. Ở đó, các con buộc phải trở nên độc lập hơn so với trường mầm non hay là ở nhà.
Thêm nữa, áp lực học tập, tuân thủ kỷ luật ở trường tiểu học cũng có thể khiến nhiều trẻ có tâm lý sợ đi học, ngay cả những bé vốn tự tin và dạn dĩ trong giao tiếp. Hầu hết các phụ huynh có con mới vào lớp 1 đều cho hay, phần lớn các bé những ngày đầu tới trường tiểu học đều rụt rè, nhút nhát, nhiều bé còn khóc đòi bố mẹ ở lại cùng.
Do đó, việc chuẩn bị một tâm lý thoải mái để trẻ đến trường, xóa tan những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu là điều rất cần thiết. Để giúp con thích đến trường, thích đi học lớp 1, phụ huynh có thể kể những câu chuyện thú vị về trường tiểu học, đưa con đi tham quan trường vào ngày nghỉ, thường xuyên động viên, khen ngợi con trong những ngày đầu tựu trường, kể những câu chuyện về thầy, cô giáo...
Không chỉ đối với các bé tiểu học hay mẫu giáo, ngay cả đối với một số học sinh lớn hơn khi bước vào đầu cấp học mới như cấp II, cấp III cũng không tránh khỏi những xáo trộn trong tâm lý do có nhiều thay đổi về thầy cô, bạn bè, chương trình học...
Tuy nhiên, điều này nhiều bậc phụ huynh lại không quan tâm, để ý vì suy nghĩ đơn giản con đã lớn, đã quen với việc đi học nên không cần làm công tác "tư tưởng”. Đây chính là căn nguyên khiến nhiều học sinh khi chuyển sang cấp học mới không giữ được "phong độ”, trở nên thiếu tự tin, không hòa nhập với bạn bè, thầy cô... làm ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Bởi vậy, thay vì chỉ tập trung chỉ bảo con ôn luyện kiến thức trong dịp hè, phụ huynh có thể cùng đi mua sách vở, đồ dùng học sinh, may đồng phục và cùng con bọc sách vở... Phụ huynh cũng có thể tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trước đây để thích nghi nhanh với ngôi trường mới hay những điều đã tìm hiểu được về ngôi trường mới của con, thường xuyên động viên, giảng giải giúp con hiểu và tự tin hơn. Trong ngày đầu tựu trường của con, phụ huynh nên bố trí thời gian cùng con tới trường và động viên, khích lệ con để con sớm thích nghi trong môi trường học tập mới.
Thực tế cho thấy, mỗi sự thay đổi trong cuộc sống đều có thể khiến tâm trạng, cảm xúc mỗi người có những đổi thay, nhất là đối với các em học sinh cấp II, cấp III - lứa tuổi có nhiều diễn biến về cảm xúc, tâm lý... nên việc thay đổi môi trường học tập cũng sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định. Những thời điểm đó rất cần sự đồng hành, sát cánh của cha mẹ, sự tận tâm của các thầy cô để cùng các em đón một năm học mới với một tâm thế tốt nhất.
Hồng Oanh