Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế đã được Tỉnh ủy Yên Bái quan tâm thực hiện.
Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế thời gian qua được Đảng bộ tỉnh triển khai gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo đó, xây dựng văn hóa trong chính trị, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng các quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong bộ máy của hệ thống chính trị trên phạm vi toàn tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 12/4/2017 về xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập, làm theo Bác để tổ chức thực hiện. Triển khai kế hoạch, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước trong bộ máy và hệ thống chính trị đã nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa, làm cho nội bộ thật sự đoàn kết, thống nhất.
Đến thời điểm tháng 12/2018, toàn Đảng bộ có 1.547 tập thể và 1.361 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong năm 2018, có 12/13 huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức sơ kết và tuyên dương 180 tập thể, 244 cá nhân điển hình tiên tiến cấp huyện.
Đã có 35 tập thể, 25 cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 128 bí thư chi bộ tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2018 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyên dương dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018).
Năm 2019, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát kết quả xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến học tập, làm theo Bác giai đoạn 2017 - 2018 để tiếp tục chỉ đạo nhân rộng và tổng kết, tuyên dương, khen thưởng giai đoạn 2019 - 2020.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 18/3/2019 tổ chức Hội thi kể chuyện về Bác Hồ theo chủ đề năm 2019 và những mô hình, điển hình tiên tiến học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019, đã tạo sự lan tỏa tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xây dựng văn hóa trong kinh tế, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời duy trì việc đối thoại trực tuyến, định kỳ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; tổ chức Chương trình "Cà phê Doanh nhân” hằng tháng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giao các cấp, ngành có liên quan xem xét, giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư kinh doanh...
Tỉnh đã định hướng và khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch, văn hóa có sức hấp dẫn dựa trên việc khai thác, phát huy các giá trị di sản tại Yên Bái như: Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà...
Xây dựng văn hóa trong kinh tế, các cấp, các ngành của tỉnh đã cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư; tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả.
Do đó, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp vào sự phát triển chung, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, nhất là đối với gia đình chính sách, người có công, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hầu hết các sự kiện quan trọng của tỉnh đều có vai trò tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Văn hóa ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng để ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để văn hóa trong chính trị và kinh tế ngày càng được quan tâm và phát huy hiệu quả, xây dựng con người Yên Bái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với những phẩm chất tiêu biểu: "Tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, việc xây dựng văn hóa phải được xác định là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Do vậy, phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, phát triển con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Để bộ máy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh và trong sạch, phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là lãnh đạo quản lý thật sự nêu gương trong việc xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa, là công dân tốt, là tấm gương sáng, chắc chắn bộ máy chính trị của tỉnh sẽ thực sự trong sạch vững mạnh, kinh tế của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đình Tứ