Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương về chính sách, pháp luật, công tác tổ chức, hoạt động và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú (PTDTNT, BT) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); quan tâm, bố trí nguồn nhân lực để thực hiện đáp ứng được yêu cầu về công tác tổ chức, hoạt động và phát triển hệ thống trường PTDTNT, BT vùng dân DTTS trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS&MN của tỉnh đã có những bước chuyển biến đáng kể, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước. Hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể.
Hiện nay, toàn tỉnh có 461 cơ sở giáo dục, trong đó riêng giáo dục mầm non, phổ thông có 442 cơ sở, quy mô 6.575 lớp, 211.878 học sinh; so với năm học trước tăng 7 trường, giảm 36 lớp, tăng 5.981 học sinh.
Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển mạng lưới, quy mô của hệ thống trường PTDTNT, BT, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT, quy mô 88 lớp, 2.965 học sinh; trong đó có 7 trường trung học cơ sở (THCS), 2 trường trung học phổ thông (THPT); học sinh người DTTS cấp THCS, THPT được học tại các trường PTDTNT đạt 7,3%.
Hệ thống trường PTDTBT hiện có 54 trường, tỷ lệ học sinh ở trong trường đạt 93,2% với 22.378 học sinh. Toàn tỉnh có trên 4 nghìn học sinh THPT được hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, trong đó 313 em được ở bán trú trong trường (đạt 8%).
Các trường PTDTBT được quan tâm đầu tư, từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục với số lượng học sinh bán trú hàng năm tăng khoảng trên 10%. Về chất lượng, so với các năm học trước, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi của các trường PTDTNT cao hơn so với các trường phổ thông khác.
Trong đó, đối với các trường PTDTNT, ở cấp THCS, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi 20,5% (tăng 8,7%), học lực khá 50,1%; cấp THPT, tỷ lệ học lực giỏi 5,25%, học lực khá 60,07% (tăng 7,3%). Đối với các trường PTDTBT, cấp tiểu học, 96,7% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt; 98,9% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán; đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Năm học 2018 - 2019, không có học sinh trường PTDTBT cấp tiểu học bỏ học. Cấp THCS, học lực khá, giỏi đạt 23,9%, có 0,2% học sinh học lực kém.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, bằng nguồn vốn Trung ương và vốn ngân sách địa phương, tỉnh đã triển khai xây dựng mới 103 phòng học, 8 phòng chức năng, 6 khối phòng bộ môn, 2 khối phòng hành chính quản trị, 205 phòng ở học sinh nội trú, bán trú, 7 bếp - phòng ăn, 20 công trình vệ sinh, 118 giường tầng cùng các hạng mục phụ trợ khác tại các đơn vị trường học. Riêng năm học 2018 - 2019, tổng các nguồn vốn huy động đầu tư cho các trường PTDTNT, BT là 189.398 triệu đồng.
Cùng với quan tâm đầu tư phát triển hệ thống các trường PTDTNT, BT, tỉnh đặc biệt quan tâm, bố trí nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về công tác tổ chức, hoạt động và phát triển hệ thống trường PTDTNT, BT vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Hiện, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường PTDTNT, BT, phổ thông có học sinh bán trú 100% đảm bảo đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước về hoạt động và phát triển hệ thống trường PTDTNT, BT vùng DTTS&MN đối với các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh ra lớp học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục.
Các chế độ chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh con hộ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện tốt hơn trong học tập. Học sinh bán trú được ăn, ở, chăm sóc tại trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu củng cố duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách ở các trường PTDTNT, BT vùng dân DTTS trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như: một số nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn hiện hành không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay cũng như chưa có sự thống nhất.
Đơn cử như chưa có văn bản quy định định mức nhân viên nuôi dưỡng và nguồn kinh phí để chi trả cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh, gây khó khăn cho cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các trường PTDTNT. Chính sách, cơ chế tài chính cho trường PTDTNT theo Thông tư số 109/2009/TT-BTC được ban hành từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, hầu hết các định mức hỗ trợ so với thời giá quá thấp. Việc tính định mức hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quá thấp.
Trên thực tế, đa số các trường có số lượng học sinh bán trú nhiều, từ 250 đến 800 học sinh, đặc biệt có những trường có trên 1.000 học sinh, khiến cho các trường gặp rất nhiều khó khăn trong bố trí lực lượng để nấu ăn phục vụ học sinh. Tỉnh kiến nghị Chính phủ hợp nhất các chính sách của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số116/2010/NĐ-CP, ban hành nghị định chung về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng hưởng chính sách trong cùng một địa bàn công tác; bổ sung chính sách phụ cấp trách nhiệm đối với các nhân viên trường học công tác tại các trường chuyên biệt, trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách phụ cấp trách nhiệm đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trường học đang công tác tại trường phổ thông có từ 50 học sinh bán trú trở lên...
Phạm Minh