Yên Bái vì một môi trường không rác thải nhựa

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2019 | 8:57:18 AM

YênBái - Trong nhiều năm trở lại đây, rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng đang trở thành vấn đề nóng, là mối quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với mục tiêu hướng tới môi trường không rác thải nhựa, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, từng bước tạo chuyển biến, làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thực hiện phong trào chống rác thải nhựa.

Nhiều người dân đã sử dụng làn nhựa đi chợ thay thế túi nilon dùng một lần
Nhiều người dân đã sử dụng làn nhựa đi chợ thay thế túi nilon dùng một lần

Thực trạng rác thải 

Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa đang ngày càng trở nên phổ biến và là vật dụng hết sức thân thiết với mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó đến môi trường và sức khỏe là rất lớn. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 464,6 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh 211,3 tấn/ngày và khu vực nông thôn phát sinh 253,3 tấn/ngày. Điều đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon sau khi được người dân sử dụng không được phân loại riêng mà để lẫn trong rác thải sinh hoạt, vứt bừa bãi ra môi trường nên rất khó khăn trong việc thu gom, xử lý dẫn đến việc rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".

Chung tay hành động - tạo sự lan tỏa

Nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hãy làm những người tiêu dùng thông thái chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã có Công văn 1387/UBND-NLN ngày 30/5/2019 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" theo Lời kêu gọi số 161/LĐCP của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cả nước hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Để hiện thực hóa quyết định, tại tất cả cuộc họp, hội nghị, hội thảo do tỉnh tổ chức hiện đã thay thế chai nhựa đựng nước bằng bình thủy tinh. Hình ảnh bình thủy tinh đặt trước bàn mỗi đại biểu có sức lan truyền tốt cho phong trào chống rác thải nhựa. 



Tại các hội nghị do tỉnh tổ chức đã thay thế chai nhựa đựng nước bằng bình thủy tinh

Ông Đỗ Việt Bách - Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh cho biết: "Việc thay thế chai nhựa bằng bình thủy tinh nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế rác thải nhựa, qua đó thể hiện hành động cụ thể, đi đầu của UBND tỉnh trong phong trào chống rác thải nhựa. 

Vì Yên Bái không rác thải nhựa, nhiều tháng qua, các cơ quan, đơn vị cũng đã chung tay triển khai các phong trào, hoạt động nhằm hạn chế và đẩy lùi rác thải nhựa. Toàn tỉnh hiện có gần 400 cơ sở y tế, mỗi ngày phát sinh khoảng 350 kg rác thải rắn nguy hại, việc thu gom phân loại và xử lý đã được ngành y tế chú trọng ngay từ cơ sở theo đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế. 

Đối với Bệnh viện Sản - Nhi, mỗi ngày phát sinh khoảng 30 - 40 kg rác thải y tế và rác thải sinh hoạt, tại các khoa, phòng của bệnh viện đều có khu vực lưu giữ riêng biệt từng loại rác thải, có biển chỉ dẫn cụ thể. Cuối giờ chiều nhân viên các khoa vận chuyển đến khu vực lưu giữ chung của Bệnh viện để xử lý theo quy trình. Cùng đó, Bệnh viện cũng đã tích cực tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về lợi ích của việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon; từ đó, phần nào nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Cùng với ngành Y tế, Hội Phụ nữ tỉnh thời gian qua đã tổ chức gần 10 cuộc truyền thông và lớp tập huấn về phòng chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác tại nguồn, từ đó giúp chị em dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, tích cực tham gia phân loại rác từ gia đình, tại nơi ở, cơ quan công sở, trường học. Bà Dương Thị Liên - tổ nhân dân số 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Trước đây, sau mỗi lần đi chợ về là nhà tôi có rất nhiều túi nilon đựng đồ. Từ khi được tuyên truyền về tác hại của túi nilon, có "tiện” nhưng không "lợi” nên tôi đã mua làn đựng để thay thế túi nilon. Giờ dùng làn được mấy tháng quen rồi, mọi thứ mua đều cho chung vào làn để xách nên cũng rất tiện”. 

Tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Yên Bái, trên các lối đi là bộ đôi thùng rác được đặt ngay ngắn, một thùng ghi "Rác hữu cơ để vào đây nhé” và thùng rác kia ghi "Rác khác để vào đây nhé” với hướng dẫn cụ thể rác hữu cơ bao gồm những loại nào và rác khác gồm loại nào để mọi người dễ thực hiện việc phân loại và bỏ rác theo đúng hướng dẫn. Tại các hệ thống siêu thị, nhận thức của người bán và người tiêu dùng về nhiều mặt hàng thân thiện với môi trường đã có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, dù chưa nhiều. Anh Ngô Đình Phúc - nhân viên siêu thị Vinmart cho biết: "Chúng tôi khuyến khích khách hàng bằng cách nếu khách hàng không sử dụng túi nilon để đựng đồ sẽ được giảm mỗi hóa đơn 1.000 đồng”. 

Thay đổi ý thức - tạo lập thói quen

Thực tế cho thấy, các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa rất tiện lợi, giá thành lại rẻ hơn so với sản phẩm thay thế túi nilon, đồ dùng nhựa như túi tự phân hủy, ống hút thân thiện môi trường như ống hút bằng cỏ bàng, ống tre... nên khó có chuyện các doanh nghiệp cũng như người dân từ bỏ túi nilon trong một sớm, một chiều. Để có thể thực sự cải thiện được tình trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sự thay đổi ý thức và thói quen của mỗi cá nhân bằng các việc làm cụ thể như: có thùng đựng rác ngay tại gia đình; sử dụng giỏ nhựa để đi chợ; mang theo đồ đựng thực phẩm riêng khi mua đồ ăn bên ngoài; hạn chế sử dụng túi nilon trong mua bán, trao đổi hàng hóa; phân loại rác thải ngay tại nguồn. 

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách triển khai nhanh công nghệ sản xuất túi tự hủy với giá thành hợp lý để mọi người sử dụng góp phần bảo vệ môi trường có hiệu quả. 

Nhưng trước hết, để bảo vệ chính mình, những người thân của mình và cộng đồng xã hội, ngay từ bây giờ, bạn hay tôi bớt đi một chiếc túi đựng rau khi đi chợ, dùng túi giấy, túi vải thay túi nilon, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần... là tôi với bạn đang bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, chung tay hành động vì một trái đất xanh!

Ngày 28/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư ngỏ chính thức đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Chị Hà Thị Ngọc Hà - tiểu thương tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái:  



"Mặc dù được tuyên truyền về việc sử dụng túi nilon gây ảnh hưởng đến môi trường sống nhưng tôi thấy dùng túi nilon rất tiện lợi, sạch sẽ, rẻ tiền để đựng hàng cho khách nên tôi sẽ thay thế dần dần. Tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người dân chúng tôi chuyển đổi từ dùng túi nilon sang túi bằng các chất liệu khác an toàn hơn”.

Bà Lưu Thị Bắc, tổ 6 phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:



Hưởng ứng phong trào "Nói không với nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tôi đã sắm làn để đi chợ. Tôi hy vọng mọi người đều nâng cao ý thức, chung tay giữ gìn môi trường sống.


Minh Huyền - Thanh Chi

Tags Yên Bái môi trường không rác thải nhựa

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở để kịp thời xử lý những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.

Trong 5 năm qua (2019 - 2024), toàn huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 849 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình..., trong đó hòa giải thành công 818 vụ việc.

Huyện Trạm Tấu đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong trường học.

Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu đã phối hợp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) như: đẩy mạnh thông tin pháp luật trên các trang thông tin điện tử và hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, các cuộc thi, tọa đàm, giao lưu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Chấn trao tiền hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Văn Chấn đã tăng cường củng cố tổ chức Hội cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống mua bán người cho hội viên.

Những năm gần đây, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần xây dựng xã hội văn minh, an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục