Để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV, Chi cục chú trọng tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý thuốc BVTV, phối hợp với ngành chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quản lý thuốc BVTV đối với các cơ sở buôn bán thuốc và tình hình sử dụng thuốc BVTV của nông dân.
Ông Trung Hải Sơn - Phó phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, qua thanh tra, kiểm tra ở 132 cơ sở buôn bán kinh doanh phân bón, thuốc BVTV cho thấy, các cơ sở buôn bán thuốc BVTV chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về quản lý phân bón, thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định về sử dụng hóa chất BVTV của người dân còn nhiều hạn chế. Qua kiểm tra 54 hộ về việc sử dụng thuốc đã phát hiện 6 hộ vi phạm; trong đó, có 5 hộ sử dụng thuốc BVTV quá nồng độ, liều lượng quy định; 1 hộ sử dụng thuốc sai công dụng ghi trên nhãn mác”.
Thực tế, công tác quản lý thuốc BVTV còn những khó khăn nhất định. Hiện nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về lĩnh vực kiểm dịch và BVTV còn quá mỏng. Mặt khác, các cơ sở buôn bán thuốc BVTV phân bố đều trên 9 huyện, thị thành phố, lại bị chia cắt bởi địa hình miền núi, cho nên việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Một số nơi, chính quyền địa phương còn chưa thực sự vào cuộc, chưa làm hết vai trò, trách nhiệm quản lý thuốc BVTV trên địa bàn của mình và vẫn xem việc quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc thuốc BVTV tại địa phương hoàn toàn thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng chuyên ngành. Đặc biệt, một thực tế đang tồn tại gây khó khăn cho quản lý thuốc BVTV là tình trạng "loạn" danh mục các loại thuốc.
Theo Thông tư số 03/2018/ TT-BNNPTNT về ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam thì riêng thuốc trừ sâu có 785 hoạt chất với 1.682 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh: 617 hoạt chất với 1.228 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ 234 hoạt chất với 713 tên thương phẩm. Việc cùng một hoạt chất nhưng có nhiều tên thương mại khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng cũng như cho công tác thanh tra, kiểm tra. Ý thức và hiểu biết về thuốc BVTV của một số người sử dụng còn hạn chế.
Đặc biệt, tại các xã vùng cao chưa thực sự quan tâm đến việc rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và xây dựng phương án, kế hoạch kinh phí xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV ngoài đồng ruộng. Việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất còn xảy ra nhất là thuốc trừ cỏ trên đồi rừng. Thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 100 tấn thuốc BVTV các loại; trong đó, thuốc trừ cỏ chiếm khoảng 40%. Việc tự giác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được người dân coi trọng, nhất là các loại bao bì thuốc trừ cỏ vẫn vứt trên các nương đồi, khe suối.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Để quản lý và sử dụng hiệu quả thuốc BVTV, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cũng như tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV, về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các văn bản có liên quan đến quản lý thuốc BVTV; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng” nhằm đạt hiệu quả phòng trừ cao, an toàn đối với người và môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn; kịp thời phát hiện thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ... để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cấp xã cần tăng cường quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương, phối hợp với cơ quan chuyên ngành BVTV tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, để quản lý tốt thuốc BVTV thì một trong những biện pháp quan trọng hiện nay cần hướng tới loại bỏ những hoạt chất độc hại”.
Văn Thông