Để thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT, ngay sau khi Quyết định 1956 ban hành, UBND huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định đến tất cả các xã, thị trấn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động dạy nghề, các mô hình hiệu quả; in ấn, phát tờ rơi tới người dân về các chính sách đối với người tham gia học nghề; điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu ĐTN của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; thành lập ban chỉ đạo ĐTN ở tất cả các xã, thị trấn…
Theo khảo sát hàng năm, trên địa bàn huyện có trên 2.000 người là LĐNT thiếu việc làm, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung ở các xã vùng cao. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho NLĐ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là cơ sở dạy nghề chính đã đưa vào dạy các nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân.
Trong đó, nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa điện dân dụng, may mặc, sửa chữa máy nông cụ, sửa chữa xe máy, xây dựng...; nghề nông nghiệp gồm: chăn nuôi - thú y, chăn nuôi lợn, kỹ thuật trồng nấm, chế biến chè, trồng cây ăn quả…; chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp như: Công ty May Daeseung Global; Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã: Cảm Ân, Phúc An, Cảm Nhân, Bảo Ái, Vĩnh Kiên cho trên 1.000 lượt người tham gia.
Từ năm 2010 đến nay, Yên Bình đã ĐTN cho 5.818 LĐNT và đào tạo bồi dưỡng cho 2.031 cán bộ công chức xã, tổng kinh phí thực hiện trên 13 tỷ đồng. Từ học nghề, nhiều người đã áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, xây dựng các mô hình cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, điển hình như mô hình nuôi cá của ông Trần Văn Thịnh, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên; mô hình thâm canh bưởi của gia đình ông Dương Văn Hoan, thôn Đồng Nếp, xã Đại Minh…
Ông Đặng Thanh Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Yên Bình có lực lượng lao động xã hội gần 70.000 người. Để công tác ĐTN cho LĐNT đạt được hiệu quả cao thì công tác vận động, tuyên truyền tuyển sinh, thiết bị, vật tư, vật liệu thực hành và chất lượng giáo viên là rất quan trọng. Bởi vậy, chúng tôi đã chủ động tham mưu với UBND huyện xác định những ngành nghề cần đào tạo, việc học nghề phải phù hợp với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phục vụ tốt cho công tác xóa đói giảm nghèo. Từ công tác ĐTN đã góp phần nâng tỷ lệ LĐNT qua học nghề từ 21,5% năm 2010 lên 60,08% năm 2019, hàng năm, góp phần tạo việc làm cho khoảng 1.500 người”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTN cho LĐNT trên địa bàn huyện Yên Bình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác ĐTN chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; việc dạy nghề đôi khi còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động; công tác kiểm tra, giám sát tuyển sinh, mở lớp chưa thường xuyên dẫn tới số học viên theo học trung bình chỉ chiếm trên 80%; trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũ, lạc hậu nên hiệu quả thấp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác ĐTN; nhận thức học viên không đồng đều, chưa có chí hướng học nghề, vẫn còn nặng tập quán canh tác tự cung tự cấp…
Thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, huyện Yên Bình cần có kế hoạch tuyên truyền lâu dài theo phương châm "mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu được giá trị của học nghề. Các cấp, các ngành, địa phương của huyện tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về học nghề để NLĐ có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thái Hưng