Huyện Trấn Yên có 22 xã, thị trấn, trong đó có những xã nằm cách trung tâm huyện gần chục ki-lô-mét như Hồng Ca, Kiên Thành, Việt Hồng, Tân Đồng... là nơi sinh sống của các dân tộc: Dao, Tày, Cao Lan, Mông... trình độ dân trí không đồng đều nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vẫn gặp không ít khó khăn.
Xác định thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, những năm qua, huyện Trấn Yên đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung về DS-KHHGĐ, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng quy mô gia đình ít con để nuôi, dạy cho tốt.
Công tác truyền thông dân số của huyện được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, thông qua các tiểu phẩm, văn nghệ, phát tờ rơi…
Huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ trên hệ thống truyền thanh - truyền hình từ huyện đến các thôn, bản, thực hiện các chiến dịch truyền thông lồng ghép để cung cấp dịch vụ KHHGĐ và tăng cường các hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính tới các vùng trọng điểm.
Phối hợp với Ban Dân vận, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn cung cấp thông tin tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba trở lên và phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình tới người dân trên địa bàn.
Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức truyền thông ngoại khóa để tư vấn về chăm sóc sức khỏe vị thành niên tại các trường học; tổ chức Chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn như: Hồng Ca, Việt Hồng, Kiên Thành, Hòa Cuông…
Cùng với đó, đội ngũ cộng tác viên thường xuyên kiểm tra, rà soát, vận động chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sinh con một bề, sinh đủ con mà chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp cho từng trường hợp.
Bà Chang Thị Nhà - cán bộ chuyên trách dân số xã Hồng Ca cho biết: "Hiện nay, toàn xã có 13 cộng tác viên dân số, là những người tích cực tuyên truyền, vận động bà con tại cơ sở thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có 50 ca đặt dụng cụ tử cung, 1 ca đình sản, 162 đối tượng sử dụng thuốc tránh thai...”.
Trong 9 tháng năm 2019, Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương tổ chức 81 buổi truyền thông, thu hút 4.450 người tham dự; tổ chức 310 buổi thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề, thu hút 5.145 lượt người tham gia; tổ chức tư vấn trực tiếp tại gia đình cho 3.350 trường hợp, phân phát 3.060 tờ rơi và 200 sổ tay lựa chọn biện pháp tránh thai cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Về công tác thực hiện KHHGĐ, toàn huyện đã có 335 ca đặt dụng cụ tử cung, 11 ca đình sản, 2.755 trường hợp sử dụng thuốc tránh thai và 1.552 trường hợp sử dụng bao cao su.
Hiện nay, 18/22 xã, thị trấn tiếp tục duy trì chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính. Trong 9 tháng của năm số trẻ được sinh ra là 830 trẻ, giảm 53 trẻ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, số trẻ là con thứ 3 trở lên lại tăng 12 trẻ so với cùng kỳ năm 2018.
Bà Phạm Thị Mai Lành - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết: "Hiện nay, trường hợp sinh con thứ ba trên địa bàn huyện không phải là những cặp vợ chồng dân tộc thiểu số, hộ nghèo trình độ nhận thức kém mà phần lớn rơi vào các cặp vợ chồng thuộc gia đình có điều kiện về kinh tế nên đây là vấn đề nan giải trong công tác thực hiện KHHGĐ hiện nay...”.
Để nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, huyện Trấn Yên xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ.
Đặc biệt phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác DS - KHHGĐ, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu, thúc đẩy cộng đồng nghiêm túc thực hiện KHHGĐ bằng cách tích cực sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại với mục tiêu: Mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 hai con, dù trai hay gái, ngăn chặn sự lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Từ đó, nâng cao chất lượng dân số, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trong huyện.
Sùng Đức Hồng