Di chuyển, bố trí dân cư vùng thiên tai: Cách làm của Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/10/2019 | 8:40:14 AM

YênBái - Nhiều năm qua, công tác di dân trước, trong và sau thiên tai, bão lũ luôn được huyện Trạm Tấu quan tâm thực hiện. Bằng hình thức di dân xen ghép, các hộ dân ở vùng nguy hiểm đã di chuyển đến nơi ở mới có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, an toàn, nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới.

Chòm Cu Vai thuộc khu tái định cư thôn Háng Xê, xã Xà Hồ. (Ảnh: Thanh Miền)
Chòm Cu Vai thuộc khu tái định cư thôn Háng Xê, xã Xà Hồ. (Ảnh: Thanh Miền)

Trạm Tấu có địa hình đồi núi cao, dốc lớn xen kẽ các khe suối nhỏ nên khi vào mùa mưa thường tạo thành các thác lớn chảy tập trung về các con suối lớn, nhỏ; với tập quán canh tác nương rẫy của đồng bào, các khu dân cư biệt lập ở các sườn đồi, khe suối, tiềm ẩn những nguy cơ thiên tai gây ra là rất cao. Vì vậy, vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ ống, lũ quét, lốc xoáy nên Trạm Tấu từng gánh chịu những ảnh hưởng rất nặng nề về người và tài sản. 

Năm 2017, thiên tai trên địa bàn đã làm 15 người chết và mất tích, 135 nhà bị trôi, sạt lở phải di dời, ước tính thiệt hại khoảng 248 tỷ đồng. Năm 2018, đã diễn ra 7 đợt mưa, giông lốc, 2 đợt hoàn lưu bão, ước tính thiệt hại 12,5 tỷ đồng. Bởi vậy, việc di dời, bố trí dân cư vùng thiên tai, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn luôn được quan tâm thực hiện, góp phần rất lớn vào việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. 

Tuy nhiên, do đặc thù huyện có địa hình chủ yếu là núi cao, diện tích đất tự nhiên nhiều nhưng đất ở ít, muốn tạo được mặt bằng đất ở phải san gạt mặt bằng, mất nhiều thời gian, nhân công nên thay vì xây dựng các khu tái định cư tập trung, nhiều năm nay, huyện Trạm Tấu đã tổ chức thực hiện việc di dân xen ghép với định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.

Khác với xây dựng các khu tái định cư tập trung đòi hỏi rất nhiều chi phí đầu tư từ quỹ đất cho đến các cơ sở hạ tầng: điện, đường, nước…, di dân xen ghép là bố trí các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm xen ghép vào các khu dân cư có sẵn. 

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong điều kiện khó khăn về đất ở và địa bàn thôn bản trong các xã cách xa nhau thì việc bố trí di dân xen ghép là phù hợp, vừa đảm bảo được sinh hoạt cùng cộng đồng vừa đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, cách làm này lại rất cần sự đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống "tương thân tương ái”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sẻ chia, giúp đỡ bằng cách hiến đất ở, đất sản xuất cho người dân bị thiệt hại. Cách làm này nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các hộ dân đều di chuyển trên tinh thần tự nguyện, chưa có hộ nào phải cưỡng chế di chuyển để bố trí xen ghép. Năm 2017, huyện đã thực hiện di dời 24 hộ, năm 2018 là 16 hộ, năm 2019 là: 21 hộ bằng cách làm này”. 

Để thực hiện có hiệu quả việc di dân xen ghép, hàng năm, UBND huyện đã tiến hành rà soát, kiểm tra các điểm, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời xác định các hộ nằm trong các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; từ đó, chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động các hộ trong khu vực có nguy cơ cao di chuyển đến địa điểm an toàn theo hình thức xen ghép. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu giúp UBND huyện xây dựng phương án di dân theo hình thức xen ghép, thẩm định các hộ đăng ký di chuyển theo hình thức xen ghép trên cơ sở đề nghị của UBND xã và nguyện vọng của các hộ. UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao xác định quỹ đất để làm nhà tại vị trí chuyển đến. 

Riêng trường hợp các hộ khó khăn về đất ở, UBND các xã đã thành lập các tổ công tác vận động cộng đồng hỗ trợ nhường đất để làm nhà ở. Huyện còn chỉ đạo các ngành chuyên môn, đoàn thể tuyên truyền vận động lực lượng tại các thôn bản giúp đỡ các hộ dân tháo dỡ, di chuyển nhà ở đến nơi ở mới theo quỹ đất đã xác định, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống.

Tới đây, huyện cũng sẽ xây dựng khu tái định cư tập trung tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu. Hiện, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện đã lựa chọn xong nhà thầu xây lắp. Bản đồ thu hồi đất đã được Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra. Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện đã tổ chức kiểm kê diện tích hoa màu, tài sản trên đất. 

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang xác định giá đất, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt để chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho nhân dân. Dự kiến, đầu tháng 11 năm nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng sẽ triển khai xây dựng và hoàn thành khẩn trương sau 3 tháng.

Ông Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu: 



"Trạm Tấu là huyện vùng cao, nhiều núi, nhiều khe, độ dốc lớn nên mỗi khi đến mùa mưa bão là ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình dân cư. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã rà soát, phát hiện những khu dân cư bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở và ở gần bờ suối để có phương án di dời về nơi an toàn. Năm 2011, huyện đã tuyên truyền, vận động 45 hộ ở thôn Cu Vai (cũ), nay là thôn Háng Xê, xã Xà Hồ về nơi tái định cư an toàn. Năm 2017, đưa 48 hộ dân ở khu vực lũ quét thuộc thôn Hát 2, xã Hát Lừu và các hộ ở thôn Háng Tây, xã Pá Lau về nơi an toàn. Hiện nay, huyện đang tiếp tục trình tỉnh duyệt khu tái định cư ở xã Hát Lừu để tiếp tục di dời những hộ dân ở nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất về nơi tái định cư an toàn”.  

Ông Hoàng Đức Nghinh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Trạm Tấu: 



"Công trình Dự án di chuyển khẩn cấp, bố trí dân cư vùng thiên tai, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn huyện Trạm Tấu được xây dựng tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu với quy mô 24 hộ, diện tích 7.007 m2, tổng giá trị phê duyệt là 4 tỷ 999 triệu đồng. Công trình bao gồm các hạng mục: san tạo mặt bằng, đường giao thông được thiết kế quy mô đường cấp B giao thông nông thôn, chiều dài mặt đường là 316 m; công trình thoát nước; hệ thống cấp nước sinh hoạt; hệ thống cấp điện được đấu nối vào lưới điện hiện có của trạm biến áp Hát Lừu 2; hoàn trả lại mương thủy lợi với chiều dài 128 m. Các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành”. 

Ông Mùa A Chu - Công an viên chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu: 



"Từ khi chuyển về nơi ở tái định cư mới, có mặt bằng rộng rãi nên các hộ gia đình ở tập trung, việc đi lại thuận lợi, vấn đề an ninh, trật tự luôn được ổn định nên bà con đã yên tâm lao động, sản xuất, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, tuyến đường từ xã lên thôn vẫn còn gần 4 km chưa được kiên cố hóa nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Một khó khăn nữa là hiện nay thôn chưa có điện quốc gia nên cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Người dân nơi đây tha thiết mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đầu tư kiên cố hóa tuyến giao thông và kéo đường điện về thôn”. 
 
Bà Đồng Thị Sơn - thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu: 



"Trước đây, vì toàn bộ tài sản, đất đai canh tác sản xuất của gia đình nằm ở trong vùng mà chính quyền vẫn tuyên truyền là tiềm ẩn nguy cơ nên chúng tôi không lỡ chuyển đi. Nhưng khi lũ đi qua, nhà cửa, ruộng đất bị vùi trong đất đá mới thấy bảo vệ sinh mạng là điều trên hết. Vợ chồng tôi được bố mẹ chia cho mảnh đất nhỏ để dựng nhà, được nhân dân trong xã giúp di dời ngôi nhà, được bà con láng giềng sẻ chia giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, vì phần lớn ruộng vườn bị vùi lấp không thể cải tạo nên hiện giờ 2 vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống. Chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí cho chúng tôi thêm một ít đất sản xuất gần chỗ ở để phát triển mô hình chăn nuôi; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, đưa các con giống mới về địa phương để chúng tôi phát triển kinh tế gia đình bền vững”.


Hoài Anh - Nguyễn Anh - Đức Hồng  

Tags Di chuyển bố trí dân cư vùng thiên tai cách làm Trạm Tấu

Các tin khác

Chiều nay (28/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các khu vực trong tỉnh Yên Bái gây mưa, mưa rào rải rác.

Cơ quan chức năng đang bảo vệ hiện trường ngôi nhà có nạn nhân bị giết

Nạn nhân bị giết bởi chính chồng cũ là Nguyễn Hải Long.

Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão.

Dự báo từ 7 giờ ngày 28 đến 7 giờ ngày 29/10, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Một gia đình tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành đau xót lập bàn thờ vọng cho con sau nhiều ngày mất liên lạc.

Sở Ngoại vụ Nghệ An đề nghị các tổ chức, gia đình, cá nhân có thông tin liên quan về vụ việc báo cáo với các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục