Cùng với các biện pháp đẩy mạnh quản lý của cơ quan Nhà nước, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cũng cần có ý thức tốt khi hoạt động trên môi trường mạng.
Mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhờ các tính năng đăng bài, post ảnh, gửi clip thậm chí là livestream. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Ví dụ gần đây, hàng loạt tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ với tốc độ chóng mặt thông tin nhiều người đột tử vì bệnh viêm cơ tim. Đáng nói là với tâm lý đám đông, thói quen like dạo, share bừa bãi, nhiều tài khoản facebook không biết chắc nguyên nhân, nhưng vẫn đồng loạt chia sẻ rằng đây là virus lạ, thậm chí còn đặt tên cho nó là "Virus viêm cơ tim”.
Do những thông tin hoang mang dư luận này, nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ đã phải lên tiếng, bác bỏ tin đồn thất thiệt. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu rõ: "Đầu tiên là chúng tôi khẳng định, chưa phát hiện một loại virus lạ nào gây bệnh việm cơ tim cả và cũng không ghi nhận tình trạng chết người hàng loạt vì viêm cơ tim. Trên thực tế chỉ có 1 số bệnh nhân bị viêm cơ tim biến chứng nặng và tử vong thôi. Tôi mong rằng những người đưa thông tin có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cần hết sức thận trọng".
Không chỉ gây hoang mang dư luận bằng việc chia sẻ các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội, nhiều tài khoản mạng xã hội còn núp bóng là cá nhân, tuyên truyền, tung tin xấu, tin giả,…Những tài khoản cá nhân đăng các thông tin vi phạm trên Facebook thường không để lại chứng cứ, nên cơ quan quản lý, thậm chí cả Facebook cũng khó có thể xử lý vi phạm.
Chưa kể, do không có chứng minh thư điện tử, không bị bắt buộc xác minh tên tuổi thật… nên bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản trên facebook, với bất cứ mục đích nào. Trong trường hợp phát tán các loại thông tin xấu, độc hại… đối tượng xấu lập tài khoản cá nhân, sau khi đăng thông tin sai trái, hoặc vi phạm pháp luật; thì họ chỉ cần xoá tài khoản đấy, rồi lại tạo một tài khoản mới thì không còn dấu vết.
Chưa kể, các tài khoản trong Facebook khi mua quảng cáo, có thể đăng thông tin trong một nhóm nào đấy với khoảng thời gian tuỳ chọn, nên cơ quan quản lý lại càng khó phát hiện. Đây cũng chính là lý do khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước, mặc dù đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ thông tin giả mạo, nhưng vẫn không thể loại bỏ hết tất cả các tài khoản vi phạm. Và không ít người đã từng gặp phải các thông tin lừa đảo, những hình ảnh, clip phản cảm,… trên Facebook.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có rất nhiều tài khoản Facebook bất chấp quy định pháp luật, quảng cáo bán nhiều loại tiền giả, vũ khí, động vật hoang dã, đăng thông tin không chính xác… nhằm xúc phạm cá nhân, bôi xấu doanh nghiệp, thậm chí là nói xấu chế độ…
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh: "Bất cứ nội dung quảng cáo nào cũng được đăng trên facebook, chỉ mua quảng cáo là được đăng tải. Chúng tôi đã làm việc và yêu cầu họ phải gỡ bỏ. Họ cũng đã gỡ nhưng chưa nhiều như yêu cầu. Bởi vì các tài khoản sai trái đó lại núp dưới tài khoản cá nhân, chưa kể là mức chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15 đến 20 năm, nhưng khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì lại chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt. Vì thế, hiện tượng này khá nhiều".
Quy định tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện các lỗi vi phạm các quy định về trang thông tin điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp có mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng áp dụng cho các tổ chức.
Cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Theo đó khoản 1, Điều 2 và điểm a, khoản 3, Điều 64 của nghị định này quy định với các hành vi "Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” mức phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra theo Khoản 3, Điều 64 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” cũng có mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Không ít trường hợp tung tin thất thiệt đã bị xử phạt, nhưng rõ ràng tính răn đe chưa cao. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chủ động đặt vấn đề đạo đức của người sử dụng lên hàng đầu, mỗi cá nhân đừng hành động như "anh hùng bàn phím”, tuyệt đối không được biến mạng xã hội trở thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác, thậm chí có những trường hợp tự tử vì bị đăng clip riêng tư lên mạng xã hội.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam - Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mong muốn: "Tôi mong muốn chúng ta cần có phương pháp tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, rõ ràng và phù hợp, đánh đúng tâm lý, cảm xúc, điều chỉnh hành vi ở trên mạng xã hội. Hình thành những thói quen, hình thành những cái suy nghĩ là bản thân mỗi người không làm điều ảnh hướng đến người khác, không làm điều bất lợi, tiêu cực cho xã hội".
Và bản thân những người dùng mạng xã hội cũng phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin trên "chợ thông tin" mạng xã hội, để tránh mắc lừa, hay bị kích động, hoang mang vô cớ. Vâng, đúng là ứng xử trên mạng xã hội luôn xuất phát từ người sử dụng, bởi cũng như xã hội thật, chỉ có thể tạo nên một môi trường lành mạnh, an toàn nếu như mỗi người tự hình thành những thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức.
Cùng với việc nâng cao văn hoá ứng xử của mỗi người trên mạng xã hội, thì mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, trình Thủ tướng trước ngày 30/11/2019. Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
(Theo VOV)