Từ nhiều thập kỷ qua, tai biến mạch máu não (TBMMN) hay còn gọi là đột quỵ luôn là một vấn đề "thời sự” cấp bách của y học, một thảm hoạ của loài người, mọi giới và mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng rất cao và tăng theo thang tuổi.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có 700 - 750 ngàn bệnh nhân cũ và mới bị TBMMN, tỷ lệ thường gặp là 794/100.000 dân.
Tại Việt Nam, thống kê năm 1995 cho thấy tỷ lệ hiện mắc là 416/100.000 dân, tỷ lệ mới mắc trung bình năm là 152/100.000 dân. TBMMN là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch, đứng hàng thứ nhất trong các bệnh về thần kinh. Trên toàn thế giới, mỗi năm, TBMMN cướp đi sinh mạng của 4 triệu người, số người sống sót để lại di chứng nặng nề, là gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội.
Trong TBMMN, nhồi máu não chiếm tỷ lệ 68 - 70%, gặp ở tất cả các lứa tuổi nhưng thường gặp ở lứa tuổi 60 - 70, nam gặp gấp 2 lần nữ, các dân tộc và các giai tầng xã hội có sự chênh lệch không đáng kể. Tỷ lệ tử vong trong tháng đầu ở những bệnh nhân nhập viện khoảng 10 - 25%. Chảy máu não là nguyên nhân phổ biến đứng thứ hai của đột quỵ, sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh cao.
Trên thế giới, mỗi năm, có khoảng 2 triệu người bị chảy máu não. Mặc dù đã có nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật với các phương tiện hiện đại được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và hồi sức bệnh nhân đột quỵ nhưng tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày còn cao lên đến 30 - 50%, trong đó khoảng một nửa xảy ra trong pha cấp cứu đặc biệt trong 48 giờ đầu.
Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, từ năm 2016 Bệnh viện đã thành lập "Đơn vị đột quỵ - tư vấn, cấp cứu 24/7” đây là đơn vị trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc có nhiệm vụ: xử trí, điều trị cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não cấp từ tất cả các nơi trong toàn tỉnh chuyển đến; phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ; tham mưu cho lãnh đạo Bệnh viện và Sở Y tế xây dựng hệ thống xử trí cấp cứu đột quỵ; hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn các trung tâm y tế về cấp cứu và dự phòng tái phát đột quỵ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là cấp cứu kịp thời, điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ, BV đã đầu tư các trang thiết bị như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, 32 dãy, cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy thở chức năng cao, hệ thống phòng mổ hiện đại...
Bên cạnh đó, BV đã cử hàng trăm lượt cán bộ, bác sỹ đi đào tạo chuyên sâu hoặc các lớp tập huấn tại các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, 108 và có khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, nhờ vậy kết quả trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ ngày càng được nâng lên.
Có mặt tại Đơn vị Đột quỵ - Khoa Hồi sức tích cực mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của đội ngũ thầy thuốc nơi đây đang cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần. Bệnh nhân Nguyễn Văn Hóa 69 tuổi ở mậu A (Văn Yên) vào viện ngày 10/10 vừa qua trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người trái, lơ mơ, trong khung giờ vàng của sổ điều trị là 3 giờ, sau khi có chẩn đoán đã được dùng thuốc tiêu huyết khối (khai thông chỗ tắc), với sự nỗ lực không ngừng nghỉ nhiều ngày liền, đến ngày 16/10, bệnh nhân Hóa đã được ra viện.
Không được may mắn như bệnh nhân Nguyễn Văn Hóa, bệnh nhân Mai Văn B 55 tuổi, ở huyện Lục Yên khi đến viện muộn nên vùng não tổn thương lan rộng, không dùng được các biện pháp điều trị đặc hiệu vào viện đến nay gần 15 ngày tình trạng vẫn nặng nề, ăn uống, tiểu tiện tại chỗ, phải thở oxy và hiện nay vẫn phải điều trị tích cực.
Nói về áp lực công việc tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, điều dưỡng Ngô Hùng Cường - Điều dưỡng trưởng của Khoa cho biết: "Bệnh nhân vào điều trị ở đây thường trong tình trạng rất nặng nề, nguy kịch, ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh. Tâm lý người nhà luôn căng thẳng vì sức khỏe người thân nên đôi lúc không kìm được cảm xúc mà dễ phản ứng căng thẳng, tạo áp lực với nhân viên y tế”.
Phải là người bệnh hoặc những người thân của họ mới thấy được sự vất vả đến cực nhọc của bác sỹ và điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc, họ làm việc không có giờ nghỉ, nhưng trên những khuôn mặt phờ phạc bởi mệt nhọc lại thấy ánh lên niềm vui khi một bệnh nhân ngừng tim hay sốc nặng suy đa tạng được cứu sống, đặc biệt là được chia tay bệnh nhân đột quỵ ra viện khi sức khỏe đã hồi phục.
Đối với bệnh nhân TBMMN thì thời gian cấp cứu - cửa sổ vàng về thời gian cho điều trị có ý nghĩa quyết định đến khả năng sinh tồn cũng như di chứng.
Bác sỹ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, BVĐK tỉnh giải thích: "Nếu não người bị thiếu oxy hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh chóng. Để càng lâu thì phần não bị chết đi càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Do đó phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng hoặc bị chèn ép. Cùng với tiến bộ của y học, Đơn vị đột quỵ BVĐK Yên Bái tư vấn và tổ chức cấp cứu 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Khi người bên cạnh mình có những biểu hiện như: khuôn mặt bỗng nhiên bị mất cân đối, có tay bên nào đó bị yếu liệt, giọng nói thay đổi không rõ lý do... thì cần gọi ngay 115 để được tư vấn và cấp cứu kịp thời”.
Khoa học đã chứng minh, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư; là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế; cứ 6 người trong chúng ta thì có 1 người nguy cơ sẽ bị đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và tỷ lệ này đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Bởi vậy cần có những hiểu biết nhất định về bệnh, kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu để giành lại cơ hội sống cũng như khỏi bệnh cao nhất.
Lê Phiên