Tự hào giáo dục Yên Bái: Thầy cô là tấm gương

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2019 | 7:59:20 AM

YênBái - "Nếu trở thành giáo viên em sẽ học theo cách của cô. Trong cuộc sống có những chuyện khó nói như chuyện tình cảm tuổi mới lớn, em tâm sự với cô như người bạn lớn, cô cho em lời khuyên để có thể giải đáp được những vấn đề, những cảm xúc mà em chưa bao giờ trải qua". Đó là cảm nhận học trò dành cho một trong rất nhiều thầy cô đang nỗ lực vì sự nghiệp "trồng người" trên địa bàn Yên Bái.

Cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thường xuyên chia sẻ, trao đổi các vấn đề về học tập cũng như trong cuộc sống.
Cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thường xuyên chia sẻ, trao đổi các vấn đề về học tập cũng như trong cuộc sống.

Chu Văn An - người thầy mẫu mực muôn đời của Việt Nam luôn quan niệm: "Muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: "Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.


Quán triệt một cách thấu đáo lời dạy của tiền nhân và hưởng ứng Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, những năm qua, cùng với cả nước, các thế hệ nhà giáo trong tỉnh đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả đạo đức lẫn tài năng nhằm hoàn thành sứ mệnh "trồng người” cao quý, đã có rất nhiều tấm gương sáng về tinh thần sáng tạo trong giảng dạy, về lòng tận tụy với nghề và dành hết tâm sức cho học sinh thân yêu, là những người truyền cảm hứng, truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò.

Ở huyện Trạm Tấu, cô Nguyễn Thị Xuân - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT TH&THCS) Phình Hồ được mọi người nhắc đến như một tấm gương sáng hết lòng với học sinh, với công việc. Sự tận tâm của cô đã giúp nhiều thế hệ học sinh thay đổi nhận thức, tích cực phấn đấu học tập, trưởng thành, phục vụ quê hương. 

Đối với một xã vùng cao như Phình Hồ, việc các thầy cô phải đến nhà vận động học sinh ra lớp là rất thường xuyên. Mỗi tháng vài lần, cô lại sắp xếp thời gian và công việc để tới tận nhà học sinh, nhất là những em nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn để vận động gia đình và các em đi học đều đặn, đồng thời kèm cặp hướng dẫn các em học bài, ôn bài ở nhà để nắm vững kiến thức. 

Tâm huyết, tận tụy hết mình với học sinh, cô Xuân mong muốn kiến thức sẽ đem lại cuộc sống tươi đẹp hơn cho học sinh nơi vùng cao. 

Cô giáo Vũ Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: "Các thầy cô ở vùng cao như Trạm Tấu đều tận tình, hết lòng vì học trò như cô Xuân. Những người thầy cô như cô Xuân có sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh”. 

Từ khi đi công tác đến nay, hàng năm, cô Xuân đều được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Được tập thể, cán bộ, giáo viên tín nhiệm. Cô có nhiều sáng kiến phục vụ công tác giảng dạy, giúp các em dễ dàng tiếp thu bài hơn, tiêu biểu như sáng kiến "Một số biện pháp rèn kỹ năng giải các dạng toán điển hình cho học sinh lớp 4, Trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ” được áp dụng trong toàn trường, đạt hiệu quả giáo dục cao. 

Ở huyện Trấn Yên, cô giáo Phạm Đỗ Việt Anh - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Trấn Yên là người có nhiều cống hiến đối với giáo dục địa phương bởi sự tận tâm với nghề, uy tín về chuyên môn. Nhiều năm liền giảng dạy tại ngôi trường chuyên biệt, với 95,7% là học sinh người dân tộc thiểu số vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn của huyện, cô Anh đã nắm bắt được những hạn chế về trình độ nhận thức và kỹ năng sống còn tự ti, chưa phù hợp của học sinh. 

Cô đã cùng với tổ chuyên môn, tập thể giáo viên nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bồi dưỡng kiến thức văn hóa, thường xuyên gần gũi, tâm sự, chia sẻ, động viên các em để các em tự tin, mạnh dạn hòa nhập vào ngôi nhà chung. Từ đó, các em luôn coi cô như người mẹ thứ hai của mình. 

Bên cạnh đó, cô cũng tích cực tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức với nhiều sáng kiến được áp dụng rộng rãi như sáng kiến "Tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử để giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh THCS”, được Hội đồng sáng kiến cấp huyện công nhận, áp dụng đạt kết quả tốt. Nhờ đó, năm học 2018-2019, học sinh của cô có 6 giải học sinh giỏi cấp huyện, 4 giải cấp tỉnh, trong đó có 1 giải Nhì.

Cô Xuân, cô Anh chỉ là hai trong rất nhiều thầy cô đã và đang là những tấm gương trong thực hiện Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” ở tỉnh Yên Bái. 

Trong những năm qua, nội dung Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được lồng ghép với Phong trào "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” và được cụ thể hóa theo từng cấp học, bậc học, từng địa phương và đơn vị cơ sở; gắn với các phong trào thi đua khác tạo hiệu quả tích cực, góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giáo dục- đào tạo (GD&ĐT) hàng năm của tỉnh Yên Bái. 

Thông qua đó, đã phát hiện nhiều tập thể, nhiều cá nhân tiêu biểu xuất sắc, làm nòng cốt trong Phong trào thi đua "Hai tốt” của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, quan hệ giữa thầy với thầy, trò với trò, thầy với trò đã thể hiện sự tôn trọng, bao dung, thân ái. 

Từ năm 2008 đến nay, đã có 38 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nâng tổng số nhà giáo ưu tú của tỉnh lên 73 người; có gần 10.000 lượt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia; trên 8.000 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 2.100 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục được nâng cao. Hàng năm, tỉnh Yên Bái đạt hàng trăm giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi chọn học sinh giỏi khu vực, cấp quốc gia. Đặc biệt, có hai học sinh đạt 2 giải quốc tế: giải Khuyến khích Olympic Vật lý châu Á năm 2015 và Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế năm 2019.  

Lòng nhân ái còn thể hiện trong quá trình kiên trì giáo dục, chăm sóc học sinh cá biệt thông qua Phong trào "Nhà giáo nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt”, "Đông san sẻ, tết sum vầy”, "Trường giúp trường, đồng nghiệp giúp đồng nghiệp”, do đó, nhiều trường đã dần được hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nhiều thầy cô giáo được giúp đỡ về vật chất; nhiều học sinh được chăm lo,… nhất là đối với các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Cũng nhờ đó mà hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học do gia đình khó khăn. Từ sự cảm hóa của thầy, của cô nhiều học sinh cá biệt đã trở thành những học sinh ngoan, có ý chí vươn lên trong học tập, trưởng thành hơn. 

Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đã góp phần duy trì nề nếp, kỷ cương trong các trường, chất lượng giáo dục được duy trì và phát triển; nhiều sáng kiến đã được phát huy, nhiều kinh nghiệm đã được lan tỏa. 

Phong trào đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ năm học. Nhiều thầy, cô giáo nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú. Song hơn cả là các thầy, cô đã trở thành những nhân vật truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò trưởng thành, đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
■ Thầy Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành: 



Mặc dù nhà trường đang thiếu nhiều cán bộ, giáo viên, song các thầy cô luôn nỗ lực đảm bảo công tác chuyên môn, nhiệm vụ đào tạo giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Trong môi trường nhà trường có sự gần gũi giữa thầy và trò, các em học sinh được tôn trọng, được khích lệ phát huy năng lực của mình. 

Các thầy cô luôn xác định tất cả vì học sinh, gần gũi, chăm sóc như chăm sóc con mình, nhất là những thầy cô phụ trách các đội tuyển quốc gia, được các em gần gũi, quý trọng. Nhiều thầy cô là "thần tượng” của học sinh như thầy Nam dạy Văn, thầy Hà dạy Anh, cô Linh dạy Hóa...

Để có được điều đó, ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy thì các thầy cô còn rất tâm lý, yêu thương học trò. Ý thức được sự ảnh hưởng đối với học trò, các thầy cô mỗi ngày lại trau dồi, cố gắng để là tấm gương cho học sinh.

■ Em Lê Thu Trà  - học sinh lớp 11B3, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên: 



Với em, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - cô giáo chủ nhiệm không chỉ là cô giáo mà còn là người bạn thân thiết của em. Trên lớp cô vui tính, tâm lý và rất quan tâm đến cảm xúc của học trò. Giờ học của cô rất vui và tiếp thu bài dễ dàng nhờ những cách giảng mà cô đầu tư nghiên cứu, làm cho chúng em nảy ra nhiều phương pháp tư duy để nhớ bài. 

Sau này, nếu trở thành giáo viên em sẽ học theo cách của cô. Trong cuộc sống có những chuyện khó nói như chuyện tình cảm tuổi mới lớn, em tâm sự với cô như người bạn lớn, cô cho em lời khuyên để có thể giải đáp được những vấn đề, những cảm xúc mà em chưa bao giờ trải qua.

■ Em Ngô Như Trang - học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành:



Mặc dù em không được trực tiếp học cô Phùng Thị Hải Yến - giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Anh, nhưng em luôn thần tượng cô. Cách cô dạy rất truyền cảm, dễ hiểu. Cô có khiếu hài hước phù hợp với lứa tuổi học sinh, trong giờ học cô có một số trò chơi, phương pháp khá mới mẻ, thu hút sự chú ý của học sinh. Không chỉ các cuộc thi trong trường mà ngay cả các cuộc thi ngoài trường của cá nhân em như thi IELTS, cô đều tận tình giúp đỡ, hướng dẫn. Em luôn cảm nhận ở cô là sự tận tình. 

Bên cạnh việc học tập mà kể cả những chuyện của lứa tuổi mới lớn hay trong cuộc sống hàng ngày cô giúp em giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. 

Có lần em gặp chuyện liên quan đến chuyện tình cảm mới lớn, bản thân em khá mâu thuẫn, ảnh hưởng tới học tập, em đã chia sẻ với cô, cô cho em những lời khuyên để em giải quyết tốt vấn đề của mình. Càng yêu quý cô em càng muốn phấn đấu hơn nữa để không phụ sự tận tình của cô.

Thanh Ba

Tags Tấm gương tự học sáng tạo vận động gia đình ôn bài

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ trao Quyết định công nhận phường Cầu Thia đạt chuẩn phường văn minh đô thị

Ngày 10/11, UBND Phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Ngày 10/11, tại công trường khai hoang ruộng nước bản Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái đã ra quân Chiến dịch tình nguyện mùa Đông năm 2019 – Xuân tình nguyện năm 2020.

Bão số 6 đang diễn biến hết sức phức tạp và chỉ còn cách bờ biển Việt Nam khoảng hơn 200km theo số liệu cập nhật vào sáng sớm ngày 10/11/2019.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá về pháp luật và ứng xử trên mạng xã hội.

Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy các em đang sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực, rất đáng báo động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục