Học sinh phải được dạy cách dùng mạng xã hội

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/11/2019 | 9:02:53 AM

Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy các em đang sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực, rất đáng báo động.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá về pháp luật và ứng xử trên mạng xã hội.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá về pháp luật và ứng xử trên mạng xã hội.

Liên tiếp hai vụ đánh nhau của học sinh THPT hồi cuối tháng 10 tại TP HCM khiến nhiều em bị thương có liên quan đến những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Các hình ảnh bạo lực này còn được người tham gia ghi lại và đưa lên Facebook. Hay mới đây, nam sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền đã có hành vi xúc phạm nhân phẩm một ban nhạc Hàn Quốc và cộng đồng hâm mộ họ trên Facebook khiến bản thân, gia đình, và cả gia đình bị hăm doạ.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết vừa kịp thời ngăn chặn, giảng hoà 3 trường hợp học sinh "lời qua tiếng lại" trên mạng, hay phát hiện nhiều em có dấu hiệu bị trầm cảm, uẩn ức hoặc thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Mạng xã hội hiện nay như một đời sống, xã hội thứ hai của phần lớn học sinh trung học. Thế giới mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó tới học sinh là thật. Trong khi đó nhà trường, gia đình chưa quan tâm đúng mức và đúng cách.

Theo ông Phú, học sinh tuổi mới lớn thường muốn tách mình khỏi sự bảo bọc của cha mẹ, muốn khẳng định bản thân. Các em dễ bị nhiễm độc trước các thông tin tiêu cực, dễ bị hùa theo đám đông, làm những việc được nhiều người "like" bởi cho rằng nó đúng, hợp thời. Những mâu thuẫn, xung đột trên mạng xã hội giữa các cá nhân, nhóm bạn cũng diễn ra từ đó.

"Học sinh cần được dạy cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có văn hoá, có chính kiến, biết phản biện nhưng luôn chấp nhận sự khác biệt. Những buổi sinh hoạt chuyên đề với các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này là cần thiết nhưng đây là cách làm trước mắt. Về lâu dài, cả trường học và gia đình phải song hành để hướng dẫn con em", ông Phú nói.

Ở trường, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và tổ chức đoàn thể phải luôn theo sát đời sống học sinh trên mạng xã hội. Theo dõi để uốn nắn những việc làm chưa đúng hoặc những nguy cơ xấu có thể xảy ra chứ không can thiệp quá sâu vào chuyện cá nhân của học trò. Giáo viên tổ chức buổi học hấp dẫn, hướng học trò sử dụng thời gian và thiết bị (điện thoại, máy tính) vào việc học, hoặc dùng mạng xã hội để tìm thông tin hay.

Về phía gia đình, Hiệu trưởng này cho rằng người lớn phải kiểm soát bản thân mình để làm gương cho con trẻ. Bởi thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng sử dụng mạng xã hội để gây gổ, chế giễu người khác, chia sẻ những câu chuyện tiêu cực thiếu kiểm chứng. "Cha mẹ ảnh hướng rất lớn đến con cái. Thế nên người lớn chưa đúng thì sao dạy trẻ? Cha mẹ thường chia sẻ những lời hay ý đẹp, những hình ảnh vui tươi thì con em họ cũng có thái độ sống tích cực", ông Phú nói.

Ở góc độ tâm lý học, Thạc sĩ Lê Thị Hằng (Trưởng bộ môn Tâm lý, Khoa Du lịch và Việt Nam học, Đại học Nguyễn Tất Thành) nói, xu hướng trên mạng xã hội ở giới trẻ liên quan trực tiếp đến xu hướng đời thường của họ, 70% những biểu hiện trên mạng là phản ánh chân thực những suy nghĩ ngoài đời.

Nhiều chương trình thiện nguyện, nhân vật có tầm ảnh hưởng và sự kiện có giá trị được nhân rộng, trở thành những tấm gương và mục tiêu sống, từ đó hình thành xu hướng nhân cách tốt đẹp của các em. Nhưng cũng không ít nhân vật không tốt, chẳng hạn như Khá Bảnh, những chuyện không hay như trộm cắp, cờ bạc, hành hung người khác được chia sẻ và đón nhận như một trào lưu.

Cổ suý những tiêu chuẩn đạo đức, hành vi và thái độ sống bị bóp méo, lâu dần người trẻ biến nó trở thành một nguyên tắc sống cho bản thân. "Chính sự tung hô của mạng xã hội, chính những lần like hay chia sẻ khiến cho giới trẻ ngộ nhận giá trị đó là chuẩn mực đạo đức của xã hội", bà Hằng phân tích.

Theo bà Hằng, phụ huynh phải giáo dục con từ các giá trị đạo đức trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Cha mẹ phải có quan tâm đúng mức tới cảm xúc của con để giúp chúng cảm được đầy đủ tình yêu thương của gia đình, bởi gia đình là cái gốc giúp định hình nhân cách con trẻ.

Ở trường, ngoài những bài học được thường xuyên lồng ghép các nội dung về mạng xã hội, cần có những buổi học ngoại khóa hướng dẫn học sinh ứng xử với tình huống cụ thể. Việc lập những trang giới thiệu tấm gương, hành động đẹp trong học đường là việc làm cần thiết.

Ngoài ra, trường học phải đưa ra những quy chế đánh giá điểm rèn luyện thông qua văn hóa giao tiếp của học sinh trên mạng xã hội.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Đồng chí Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (người đứng thứ hai từ phải sang) trao đổi với bà con tại khu tái định cư Táng Khờ 1.

Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh do đồng chí Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại 2 xã Cát Thịnh và Suối Bu của huyện Văn Chấn về kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2019.

Sạt lở kinh hoàng 4 người tử vong. Ảnh minh họa.

Vụ sạt lở đất đá tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh làm 4 người tử vong, 1 người bị thương.

Lãnh đạo VNPT Yên Bái trao tặng tivi cho khách hàng Ngô Ngọc Trung ở tổ 1, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Ngày 9/11, tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, VNPT Yên Bái tổ chức Lễ trao thưởng đợt 1 chương trình “Lắp truyền hình - Rinh Tivi khủng” cho các khách hàng may mắn tại Yên Bái.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về công tác xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiện, phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế trước năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục