Trước đây, gia đình ông Lương Văn Sanh, Chi hội 3, Hội Nông dân thị trấn Mù Cang Chải chỉ trồng lúa, ngô. Mặc dù rất nhiều cố gắng, song bao năm kinh tế gia đình ông vẫn khó khăn.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, năm 2015, ông Sanh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm nhà nghỉ cộng đồng. Ban đầu ông Sanh gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng đó, ông tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân và các phương thức phát triển kinh tế, nhất là làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, ông vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của các hộ đã làm du lịch cộng đồng ở địa phương khác, chịu khó mày mò học cách làm món ăn vừa mang hương vị truyền thống vừa phù hợp với thực khách.
Nhờ vậy, mô hình dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng của ông Sanh dần có uy tín với khách hàng. Một số công ty lữ hành đã tìm đến gia đình ông ký kết hợp đồng. Mỗi năm, gia đình ông thu hút được 3.000 đến 3.500 lượt du khách, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Với mong muốn phát huy tiềm năng của địa phương, ông Sanh luôn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế từ làm du lịch cộng đồng và hiện đã có 9 hộ trong Chi hội cùng thực hiện mô hình nhà nghỉ cộng đồng tạo thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm/hộ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thích, thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là một hộ khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn. Năm 2014, ông Thích được Hội Nông dân xã hỗ trợ thủ tục vay vốn 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mở máy xay xát và xây chuồng trại chăn nuôi lợn thịt.
Ông Thích cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp do Hội Nông dân phối hợp tổ chức để áp dụng vào thực tế gia đình. Lấy ngắn nuôi dài, ông Thích đã tích cóp dần vốn liếng để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.
Hiện, gia đình ông Thích có 10 ha rừng kinh tế; 2 ha cây ăn quả (500 cây vải, 200 cây bưởi da xanh, 120 cây nhãn, 1 ha chè); 200 đõ ong, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Năm 2019, trước bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Thích đã chủ động chuyển đổi sang nuôi gia cầm.
Có điều kiện kinh tế, ông Thích tiếp tục giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn về vốn, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất… giúp họ phát triển kinh tế, góp phần cùng thôn Suối Quẻ đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 xuống dưới 10%.
Còn ở thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái ai cũng biết ông Ngô Văn Tình là người tiên phong đưa cây nghệ về trồng và phát triển tại địa phương. Năm 2014, ông về quê Nam Định thấy người dân phát triển kinh tế từ cây nghệ hiệu quả, và ông đã mang giống về trồng tại vườn nhà.
Thấy cây nghệ phù hợp với đồng đất lại có giá trị kinh tế cao, ông bàn bạc với các ông Tạ Văn Túc, Nguyễn Kim Cương, Ngô Văn Hưng ở cùng thôn mạnh dạn trồng thay thế dần vào diện tích chè già cỗi kém hiệu quả, mỗi hộ trồng trên dưới 1 ha. Củ nghệ thu được ngoài bán tươi, 3 hộ còn liên kết với nhau để sản xuất bột nghệ.
Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, đầu năm 2019, thôn Trấn Ninh đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ do ông Ngô Văn Tình làm Chủ nhiệm. Sản phẩm tinh bột nghệ với giá bán ra hiện nay là trên 300.000 đồng/kg, mỗi hộ thu được 150 triệu đồng/năm. Nhờ có người tiên phong như ông Tình, hiện thôn Trấn Ninh có 22 hộ trồng nghệ.
Toàn tỉnh Yên Bái có trên 117.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có 31 cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế và tích cực giúp đỡ hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương vừa qua. Những tấm gương đó, góp phần giúp đỡ trên 2.000 hộ hội viên Hội Nông dân thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2019.
Minh Huyền