Huyện Mù Cang Chải những ngày đầu thành lập (năm 1957), hầu như 100% dân số không biết chữ, cuộc sống đói nghèo, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, kết cấu hạ tầng chưa có gì. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo lúc bấy giờ được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu.
Năm 1959, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GDĐT) của huyện chính thức được ra đời khi được tăng cường 13 giáo viên vùng xuôi lên công tác để thực hiện mục tiêu thanh toán nạn mù chữ, trước hết là cho cán bộ của huyện.
Trải qua 62 năm, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn chú trọng sự nghiệp GDĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt, bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII của Đảng chỉ rõ GDĐT là quốc sách hàng đầu, đã soi đường, tạo tiền đề cho bước phát triển mới của nền giáo dục nước nhà.
Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đồng thời, ban hành, triển khai có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/HU, ngày 28/01/2016 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDĐT trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020; triển khai thực hiện tốt Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, ngành GDĐT huyện Mù Cang Chải không ngừng củng cố, phát triển toàn diện. Quy mô mạng lưới trường lớp được phát triển mở rộng và cơ bản ổn định.
Nếu ngày đầu thành lập, toàn huyện chỉ có 300 học sinh vỡ lòng và 350 học viên bổ túc, đến năm 1983 đã có hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến THPT. Năm học 2019 - 2020, có 39 trường học từ mầm non đến PTTH; trong đó, có 15 trường mầm non, 7 Trường tiểu học, 8 Trường TH&THCS, 6 Trường THCS, 1 trường THPT, 1 trường THCS và THPT, 1 Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, với 604 nhóm lớp, 20.380 học sinh, học viên (trong đó có 20 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 11.000 học sinh ở bán trú).
Kết thúc năm 2019, huyện sẽ có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu dạy, học, sinh hoạt của giáo viên, học sinh.
Tính riêng 10 năm trở lại đây, trung bình hàng năm, huyện giành 15 -17 tỷ đồng ngân sách đầu tư xây dựng trường lớp học. Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp và Đề án rà soát, sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 - 2020, ngành GDĐT được đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 30%, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo cơ sở trường lớp học.
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải và đoàn công tác của huyện kiểm tra công tác giáo dục ở cơ sở.
Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục phổ cập và thực hiện các mục tiêu giáo dục của địa phương ngày càng được nâng cao. Năm 2002, huyện được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; năm 2007 công nhận phổ cập THCS; năm 2015 công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt trên 97%; THCS đạt trên 91%; giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS - chống mù chữ 14/14 xã, thị trấn; tỷ lệ hoàn thành chương trình cấp học, chuyển lớp, chuyển cấp mầm non đạt trên 99%, cấp tiểu học đạt trên 98%, cấp THCS, THPT đạt trên 93%...
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay. Hiện tại, với trên 1.300 cán bộ, nhà giáo với cơ cấu đội ngũ cơ bản hợp lý theo từng ngành học, môn học và có trên 98% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn…
Với những nỗ lực xây dựng, phát triển GDĐT cùng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp GDĐT huyện Mù Cang Chải đã đạt được những thành tựu to lớn.
Từ một huyện thiếu đói triền miên, người dân mù chữ, thất học, sống du canh, du cư, đến nay, lương thực bình quân đạt trên 650 kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo đạt trung bình 7,5 - 8%/năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, sâu rộng và có những chuyển biến tích cực.
Huyện xác định phát triển với cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng; nông lâm nghiệp - dịch vụ du lịch, trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nhanh và bền vững hệ thống dịch vụ, thương mại gắn với phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là giao thông, điện, đường, trường trạm, bưu chính, viễn thông.
Đồng bào các dân tộc đã biết bảo tồn, phát triển, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi hủ tục, xây dựng gia đình, bản văn hóa gắn với phát triển du lịch, để huyện giờ đây đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong, ngoài nước, mở ra một triển vọng phát triển kinh tế mới - kinh tế du lịch ở vùng cao Yên Bái.
Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhà giáo, có nhiều tập thể, cá nhân ngành GDĐT huyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Tỷ lệ cán bộ huyện, xã là người Mông hiện nay chiếm 80%, trong đó, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 60%.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, đổi mới toàn diện thì sự nghiệp GDĐT huyện Mù Cang Chải vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là, chất lượng giáo dục đại trà còn thấp so với yêu cầu phát triển của địa phương, chất lượng phổ cập giáo dục chưa thật sự bền vững; tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn còn xảy ra ở cấp THCS; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu; đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, công tác quản lý giáo dục có mặt còn hạn chế…
Đồng chí Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích bước đầu trong thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học.
Với khát vọng, quyết tâm đưa huyện Mù Cang Chải thoát nghèo bền vững; đồng thời, tiếp nối những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, nhà giáo đi trước, thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, tạo bước đột phá về chất lượng GDĐT, các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành GDĐT huyện cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu giáo dục của Đảng; thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phù hợp với điều kiện của địa phương theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/HU ngày 28/01/2016 của Huyện ủy Mù Cang Chải về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDĐT trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục sắp xếp tinh gọn, hợp lý, ổn định quy mô mạng lưới trường lớp học, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục.
Huy động 100% học sinh đến tuổi đi học ra lớp. Sớm triển khai rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển toàn hệ thống GDĐT của huyện Mù Cang Chải đến năm 2030 theo hướng khắc phục, xử lý tổng thể những bất cập để phù hợp với xu thế phát triển.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý theo hướng tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị trường học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hướng tới xây dựng con người Mù Cang Chải "Tự tin, tự trọng, cần cù, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình” ngay từ trong nhà trường.
Ba là, chú trọng khuyến học, khuyến tài; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; duy trì, nâng cao tính bền vững của phổ cập giáo dục các cấp; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng chuẩn mức độ 2 đối với các trường đã đạt mức độ 1 gắn với các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình thay sách giáo khoa. Triển khai thực hiện tốt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025”, góp phần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển, nhất là phát triển du lịch.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội đối với sự nghiệp GDĐT. Chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư theo hướng ưu tiên cho GDĐT với vị trí, vai trò là "quốc sách hàng đầu”; trong đó, khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng và đa dạng hóa các loại hình trường lớp theo Luật Giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo nghề theo hướng chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm là, tăng cường thanh kiểm tra giáo dục, giữ vững, duy trì kỷ cương, trật tự, nền nếp, sự ổn định để phát triển, ngăn ngừa gian lận trong thi cử, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ nhà giáo, học sinh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, khuyến khích dạy tốt, học tốt trong các trường học...
Nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT của huyện trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề và không ít khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành GDĐT cùng với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, sự nghiệp GDĐT của huyện sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng hơn nữa yêu cầu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” xây dựng quê hương Mù Cang Chải trở thành miền đất phát triển xanh - bền vững.
Nông Việt Yên - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải