Nếu như trước đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH & THCS) Xà Hồ, huyện Trạm Tấu gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động học sinh ra lớp; công tác chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng đối với học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhiều gian nan; nhiều học sinh chưa xác định được động cơ học tập, lười học, ham chơi; cơ sở vật chất trường học khó khăn… thì đến nay, nhà trường đã có một cơ sở khang trang, sạch đẹp, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 880 học sinh, trong đó khối tiểu học 544 em, THCS 344 em, học sinh ở bán trú có 686 em. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó đối với giáo viên phải thực hiện tốt quy chế chuyên môn, nghiên cứu bài trước khi lên lớp. Bài soạn, nội dung kiến thức phù hợp với trình độ của học sinh. Học sinh đi học đúng giờ, tạo thói quen học bài và làm bài tập trước khi vào lớp; chú ý nghe giảng, hăng hái phát biểu ý kiến.
Đặc biệt, nhà trường luôn thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ bán trú theo Nghị định 116 và Nghị định 57 của Chính phủ. Nhờ vậy, kết thúc năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 96%, 24 em học sinh giỏi cấp trường, 109 em đạt học sinh tiên tiến, nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện”.
Còn Trường PTDTBT TH & THCS Làng Nhì thời gian qua đã thành công với việc xây dựng mô hình về chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Danh Trí Quảng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện, nhà trường có 508 học sinh, 100% học sinh là đồng bào dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để nâng cao chất lượng bán trú, hàng năm, ngoài việc đề ra các giải pháp cụ thể theo từng năm học, nhà trường đã xây dựng mô hình về chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Theo đó, hàng ngày nhà trường phân công cán bộ, giáo viên và nhân viên trực 24/24h nhằm trông coi, chăm sóc học sinh bán trú và tổ chức tốt các bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... nên học sinh đến lớp đầy đủ, chất lượng giáo dục không ngừng được củng cố".
Huyện Trạm Tấu hiện có 10 Trường PTDTBT TH & THCS với 215 lớp, 6.642 học sinh, trong đó khối tiểu học có 4.200 học sinh, THCS 2.442 học sinh. Toàn huyện có 5.380 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116/NĐ-CP và 1.226 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 57/NĐ-CP.
Bà Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh và của các sở, ngành có liên quan, Phòng đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ cho học sinh nói chung và học sinh bán trú nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã vận động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần; làm tốt công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú; không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc trong trường nội trú, bán trú”.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng giáo dục bán trú, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các nhà trường xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện, xây dựng các góc thư viện thân thiện, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, đội văn nghệ xung kích trong học sinh; chú trọng và nhân rộng thành lập các đôi bạn cùng tiến để giúp đỡ nhau trong học tập; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ, động viên về vật chất chất và tinh thần để học sinh yên tâm học tập.
Các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi tạo nguồn (đối với THCS), học sinh có năng khiếu (đối với tiểu học), phụ đạo học sinh yếu kém và chưa hoàn thành môn học; định kỳ đánh giá để có kế hoạch bổ sung nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, các trường học luôn thực hiện công tác công khai các chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên; phổ biến, tuyên truyền cho người dân nắm các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với con em mình để cùng giám sát thực hiện.
Nhờ thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với học sinh bán trú và nhiều giải pháp trong nâng cao chất lượng giáo dục, đến nay, 100% trường học bán trú đều thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và thực hiện dạy tiếng Mông tại 10 trường bán trú... qua đó góp phần vào thành tích chung của huyện về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Kết thúc năm học 2018 - 2019, giáo dục tiểu học hoàn thành chương trình đạt 100%; số học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt gần 31%; từ năm học 2015 - 2016 đến nay, toàn huyện có 151 em đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 21 em đạt giải cấp tỉnh…
Văn Tuấn