Từ năm 2011, Lục Yên đã triển khai mô hình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở 9 xã và đến nay đã nhân rộng lên 16 xã trên địa bàn, qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân nhất là đối với các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, mới kết hôn, sinh con một bề, vùng đồng bào dân tộc, từng bước giúp nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ, nhất là duy trì được vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức thấp nhất.
Hàng năm, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với phương châm nâng cao ý thức, nhận thức người dân gắn với nghĩa vụ thực hiện các chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.
Nhờ đó, những năm gần đây, tình hình tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện đã giảm xuống mức thấp nhất. Các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ cơ bản đều sử dụng biện pháp KHHGĐ.
Hiện, toàn huyện có trên 7.590 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại với 4.150 trường hợp uống thuốc tránh thai, trên 1.750 sử dụng bao cao su, trên 1.350 đặt dụng cụ tránh thai và hơn 330 tiêm thuốc tránh thai.
Công tác DS-KHHGĐ từng bước đi vào nề nếp, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát. Tỷ số giới tính năm 2010 là 102,8, năm 2018 là 125,1. Hiện nay, bên cạnh những xã còn hạn chế về công tác DS-KHHGĐ, trên địa bàn huyện đã có nhiều xã vượt lên trở thành điểm sáng làm tốt công tác DS-KHHGĐ, điển hình như xã: Phan Thanh, Minh Xuân, An Phú, Trúc Lâu...
Ông Hoàng Chí Viện - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: Xã Minh Xuân hiện có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Tày. Song với sự nỗ lực của địa phương, công tác DS-KHHGĐ được bà con chấp hành tốt. Nhiều năm nay, xã không xảy ra kết hôn cận huyết thống, tảo hôn.
"Đặc biệt, Minh Xuân là một trong 4 xã có dân số đông nhất toàn huyện, tuy nhiên tình trạng vi phạm về sinh con thứ 3 trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh được nhân dân chấp hành rất tốt, độ chênh lệch về giới tính trong các trẻ mới sinh trong từng năm duy trì ổn định, không có biến động lớn...” - ông Viện nói.
Hiện nay, xã Minh Xuân có 1.180/1960 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, từ năm 2015 đến nay, xã có 467 trẻ mới sinh thì có 242 trẻ nam và 224 trẻ nữ, độ chênh lệch trung bình hàng năm nữ ít hơn nam 4 trẻ. Từ kết quả ở một số xã và toàn huyện cho thấy nhận thức của phần lớn nhân dân về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh từng bước được nâng lên.
Chị Lường Thị Thống ở thôn Xuân Yên, xã Minh Xuân cho biết: "Vợ chồng tôi may mắn hơn vì có cả con trai và con gái. Tuy nhiên, ngay từ đầu 2 vợ chồng đều chung quan điểm không nặng nề chuyện con trai, con gái nên khi đang mang thai có đi kiểm tra thai nhi định kỳ nhưng không xem giới tính và hiện nay, chúng tôi cũng thường xuyên vận động các em, các cháu trong gia đình thay đổi quan điểm, nhận thức về vấn đề trọng nam khinh nữ”.
Ông Hoàng Minh Thảo - Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết: "Để thực hiện hiệu quả mô hình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, ngay từ khi mới triển khai thí điểm mô hình ở 9 xã năm 2011, chúng tôi đã xác định đây là chiến lược lâu dài nên tập trung vào công tác truyền thông là chính, với chủ trương nâng cao ý thức, nhận thức của bà con về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó mỗi người dân tự xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, đảm bảo tính hiệu quả lâu dài".
Phương pháp tuyên truyền là tập trung cung cấp thông tin thực trạng về mất cân bằng giới tính, đưa ra các giải pháp, trong đó, đối với người dân, cần nhận thức đúng vấn đề, thay đổi nhận thức về quan điểm trọng nam khinh nữ, tâm lý muốn có con trai...; không sử dụng các biện pháp kiểm tra, nạo phá nhằm có con trai theo ý muốn; đối với các cơ sở làm dịch vụ khám chữa bệnh, siêu âm trên địa bàn huyện, ký cam kết không tiết lộ giới tính bất kỳ trường hợp khám thai nào... Từ đây, đặt nền tảng vững chắc góp phần ổn định dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính của huyện.
A Mua