Thế hệ chúng tôi bước vào nghề báo phần lớn từ "tay ngang", họ là bộ đội chuyển ngành, công nhân, giáo viên, y tá… có người mới học hết cấp II, phương tiện hành nghề đúng nghĩa đen là chỉ có cây bút, trang giấy.
Mãi đến những năm 70 của thế kỷ trước, mỗi cơ quan báo chí mới có đôi ba chiếc máy ảnh Zennhit hoặc Pentắc, máy ghi âm thì đồ sộ như chiếc máy giặt bây giờ, máy ghi âm để đi lưu động cũng nặng 8-10kg. Đã thế, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu bằng đôi chân, khá hơn thì có chiếc xe đạp. Điện thoại thời đó là máy từ thạch quay tay hữu tuyến mà cũng không dễ gì gọi nhờ bởi mỗi cơ quan thường chỉ có một máy.
Trước khi kỹ thuật số ra đời, việc in ấn hoàn toàn bằng chữ đúc bằng chì, công nhân phải sắp chữ từng tin, bài, đóng lại thành khuôn để in, nếu sai một lỗi là phải dỡ ra sắp lại, sắp xong thì sửa rồi in, in xong số báo là dỡ lấy chữ đem sắp số báo khác, công việc hoàn toàn thủ công bằng tay. Hồi đó, thợ in báo thường nói vui: "Chúng tôi làm nghề "Sắp - sửa - bỏ"”.
Ảnh thì phải đưa về Hà Nội làm bản kẽm (đi tàu Yên Bái - Hà Nội thường mất 8 giờ). Nếu là ảnh màu thì mỗi ảnh tách thành nhiều phim, mỗi phim một màu in chồng lên sẽ thành ảnh màu. Thời đó ảnh màu là sang lắm dù những đường t.ram vẫn rõ trên ảnh.
Còn phát thanh truyền hình thì sao? Phát thanh thì đọc trực tiếp trên bản viết tay, hết phần tin, phát thanh viên gật đầu ra hiệu để công nhân bá âm mở một đoạn băng nhạc xen truyền lên đường dây, xong lại đọc tiếp.
Truyền hình Yên Bái cũng đi lên từ "ba không": không phóng viên, kỹ thuật viên được đào tạo, không bàn dựng, không trường quay, phát thanh viên chủ yếu đọc lồng tiếng, hình ảnh do phóng viên và kỹ thuật viên làm chương trình phát thanh tự mày mò cắt dán băng một cách thủ công rồi mở băng phát lên sóng…, đơn sơ là thế nhưng ai thấy hình ảnh của mình trên ti vi cũng vui sướng, tự hào.
Quỹ nhuận bút hồi đó eo hẹp lắm, một tin thường được trả 1.500 đồng, bài 20.000 đồng; 3.000 đồng một ảnh… nên thu nhập từ nghề của phóng viên là không đáng kể, phần lớn anh chị em vẫn kẽo kẹt cái xe đạp cũ rích, nhà thì ở nhà tập thể của cơ quan. Trong điều kiện đó, dĩ nhiên là báo chậm và chất lượng hạn chế, số phát hành chỉ khoảng trên 2.000 tờ/kỳ và mỗi tuần chỉ ra 1 kỳ, sau mới tăng dần lên 2 - 3 kỳ; phát thanh, truyền hình thì kịp thời hơn nhưng thời lượng cũng chỉ 60 phút chương trình mỗi ngày.
Có thể tạm gọi thời làm báo của chúng tôi là thế hệ phóng viên "chân đất". Nhưng đó là những con ngươi thật sự yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm cao với cơ quan báo chí mình phục vụ và đối với xã hội. Đội ngũ phóng viên "chân đất" đã đồng hành cùng quê hương đất nước suốt những năm kháng chiến gian khổ chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía bắc, riêng Báo Yên Bái đã có hai nhà báo hy sinh khi đang tác nghiệp trong hai thời kỳ đó.
Giống như những chiến sĩ dân quân áo nâu, áo chàm với súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, những người làm báo thời đó với phương tiện thô sơ, thủ công đã góp phần không nhỏ giữ vững trận địa tư tưởng, định hướng dư luận, biểu dương người tốt, điển hình tiên tiến, phê phán tiêu cực… góp phần động viên, tập hợp, đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng bộ, chính quyền, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu từng thời kỳ của tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, báo chí Yên Bái cũng đổi mới. Từ lúc ban đầu còn băn khoăn: Không biết báo Đảng có nên làm quảng cáo không, dần dà rồi cũng làm cho tờ báo có sự khởi sắc, linh hoạt hơn, sinh động, phong phú hơn với nhiều chuyên trang, chuyên mục, số báo chuyên đề… phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Yên Bái được tỉnh đầu tư tăng cường cả nhân lực và trang thiết bị ngày càng hiện đại.
Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan báo chí đã không còn phóng viên lớp 7, lớp 10 mà hầu hết được đào tạo đúng chuyên ngành đại học báo chí hoặc tổng hợp Văn. Đến nay, có 145 nhà báo được cấp thẻ đang làm việc đều được đào tạo bài bản, phương tiện tác nghiệp hiện đại "một trời một vực" so với trước đây, camera, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh kết nối internet, ô tô, xe máy trở thành thông dụng, máy ghi âm, ghi hình chuyên dụng, kỹ thuật số, máy tính… đã nâng cao chất lượng cả báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng… gấp nhiều lần so với trước đây. Các bạn làm báo bây giờ chuyên nghiệp hơn, tác nghiệp bài bản, thông tin nhanh nhiều khi đồng thời với sự kiện.
Ngày trước, chúng tôi lo đi phủ sóng vũng lõm cho truyền hình thì nay nhờ phát qua vệ tinh việc đó chẳng còn phải quan tâm, thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước được cập nhật nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi đến với tất cả mọi người. Đó là điều trước đây chúng tôi có mơ cũng chưa bao giờ có được! Có thể nói đây là phúc lớn của dân tộc ta, của những người làm báo chúng ta.
Nhờ công cuộc đổi mới thành công, đất nước phát triển nên sự nghiệp báo chí tỉnh ta mới có bước phát triển ngoạn mục như ngày nay. Chúng tôi, thế hệ các nhà báo "chân đất" tự hào là những người đi khai hoang từ những công cụ thô sơ đã góp phần tạo ra mảnh đất màu mỡ để hôm nay các bạn gieo cấy, gặt những mùa vàng bằng những công cụ hiện đại, tiên tiến có thể sánh vai với các đồng nghiệp trong cả nước.
Bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, con người kết nối với nhau và với vạn vật qua internet là xu thế tất yếu. Trước mắt các nhà báo trẻ có nhiều thách thức; trong đó có cái phải vượt qua chính mình như đòi hỏi phải thông thạo ngoại ngữ để làm chủ phương tiện, kỹ thuật, chủ động hội nhập, luôn sáng tạo và tự đổi mới mình cho theo kịp với sự phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là phải không ngừng rèn luyện, học tập để giữ vững phẩm chất, đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có quan điểm lập trường vững vàng và rõ ràng, không để bị mê hoặc, lôi kéo bởi chút lợi ích tầm thường mà xa rời lý tưởng, tôn chỉ mục đích, làm hoen ố thanh danh báo chí cách mạng và nhà báo cách mạng - những chiến sĩ tham gia canh giữ bầu trời tư tưởng của Đảng cả trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Khó khăn của chúng ta cũng rất đáng kể nhưng đó là khó khăn trong quá trình phát triển, chúng ta lại phải tiếp tục đổi mới mình như thay một chiếc áo đã chật để cơ thể thêm cường tráng.
Với truyền thống 94 năm của báo chí cách mạng Việt Nam và 35 năm hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh nhà, với đội ngũ các nhà báo trẻ đầy sinh lực, bản lĩnh và trí tuệ hôm nay, chúng ta tin tưởng các bạn nhất định sẽ thành công, mãi xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, bởi chúng ta chung một con đường - đó là con đường của báo chí cách mạng do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Nguyễn Thanh Vân (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng biên tập Báo Yên Bái, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh)