Sau khi sáp nhập thôn Đầu Cầu và thôn Chống Khua (xã Xà Hồ) thành thôn mới Chống Khua, số hộ dân đã tăng gần gấp đôi, số đảng viên trong Chi bộ tăng lên 22 đồng chí.
Từ khi sáp nhập, việc họp thôn cũng như sinh hoạt Chi bộ không mấy khi được tập trung mà phải họp thành từng khu bởi khoảng cách giữa khu vực Chống Khua đến Đầu Cầu chừng 5 km đường dốc. Ngày nắng đã vậy, còn ngày mưa đi bộ cả tiếng đồng hồ, nhất là nơi đây, việc họp thôn hay sinh hoạt Chi bộ thường diễn ra vào buổi tối.
Do vậy, việc tổ chức một buổi họp là vấn đề mà cả đồng chí Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn rất trăn trở bởi cấp ủy phải bàn bạc, thậm chí là phải san sẻ cùng nhau gánh vác mới hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Hờ A Lử - Bí thư Chi bộ thôn Chống Khua chia sẻ: "Mỗi khi có việc đột xuất, tôi và đồng chí Phó Bí thư Chi bộ phải chia nhau để tổ chức họp Chi bộ. Nếu mình họp ở chòm Chống Khua thì đồng chí Phó Bí thư lại họp ở chòm Đầu Cầu và ngược lại, chứ để các đảng viên di chuyển quãng đường dốc trong trời tối, chưa nói khi trời mưa, thì sẽ không kịp triển khai nhiệm vụ”.
Thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố theo quyết định của UBND tỉnh, xã Xà Hồ đã sáp nhập 4 thôn Cu Vai, Háng Xê, Đầu Cầu, Chống Khua thành 2 thôn mới là Háng Xê và Chống Khua. Sau sáp nhập, số hộ của một thôn thường tăng gấp đôi thậm chí gần gấp ba. Chẳng hạn, khi chưa sáp nhập, thôn Chống Khua chỉ có 39 hộ dân nay sáp nhập tăng lên thành 92 hộ. Do vậy, quy mô nhà sinh hoạt cộng đồng trước đây không còn đủ để phục vụ cho việc sinh hoạt tập trung của nhân dân nên rất cần được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng như nhiều thôn, bản khác sau sáp nhập, thôn Tà Tàu, xã Pá Hu có số hộ tăng gần gấp đôi (từ 80 hộ tăng lên 149 hộ). Điều đáng nói là cùng một thôn nhưng lại có 3 chòm dân cư ở tách biệt ở Km 13, Km 16 và Tà Tầu. Khoảng cách giữa các chòm này từ 2 - 2,5 km nên họp thôn thường phải chia thành 3 chòm.
Đồng chí Giàng A Lồng - Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu cho biết: "Trước mắt, chúng tôi phải tăng cường cán bộ xuống giúp thôn tổ chức các buổi họp quan trọng. Những việc ít quan trọng, các đồng chí cán bộ phụ trách thôn chia nhau về 2 địa điểm để triển khai đến nhân dân. Về lâu dài, xã mong được đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng và nâng cấp hệ thống đường giao thông để đi lại cho thuận tiện”.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi sáp nhập, sắp xếp huyện Trạm Tấu còn 57 thôn, tổ dân phố, giảm 10 thôn và 2 tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố được sáp nhập đều đảm bảo điều kiện quy mô hộ gia đình theo quy định. Từ khi sáp nhập, các thôn, tổ dân phố đều hoạt động ổn định, người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, do là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại hiểm trở, dân cư phân bố rải rác nên rất khó khăn khi tổ chức, triển khai các cuộc họp của thôn bản.
Để khắc phục, huyện đã vận động các thôn, tổ dân phố họp theo các cụm nhỏ để thuận lợi cho nhân dân đi lại. Về lâu dài, huyện sẽ ưu tiên, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các thôn, tổ dân phố này.
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Chúng tôi mong muốn, Đảng, Nhà nước đầu tư cho các thôn xây dựng nhà văn hóa cộng đồng đảm bảo quy mô dân số sau khi sáp nhập; đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông ở các thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện”.
Bên cạnh đó, các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập, quy mô dân số và diện tích tăng gần gấp đôi, có thôn cao hơn nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của bộ máy cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải bao quát rộng hơn, cần đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn… Song, với mức phụ cấp như hiện nay chưa đảm bảo để những người đứng đầu cấp cơ sở yên tâm, dồn sức tập trung cho công việc.
Đồng chí Hờ A Lử - Bí thư Chi bộ thôn Chống Khua, xã Xà Hồ chia sẻ: "Sau khi sáp nhập, công việc của Chi bộ nhiều hơn, số lượng đảng viên quản lý cũng nhiều hơn…, tôi rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm tăng mức phụ cấp cho Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn để có thêm điều kiện và tập trung cho công việc”.
Sắp xếp thôn, tổ dân phố là việc làm cần thiết góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của tỉnh và huyện Trạm Tấu nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tuy nhiên, cùng với sắp xếp, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời cơ sở vật chất một cách phù hợp, có như vậy, Nghị quyết của Đảng mới thật sự đi vào cuộc sống.
Ngọc Sơn