Nhiều người vẫn còn bàng hoàng khi nhớ tới vụ cháy xảy ra vào sáng sớm ngày 7/12 tại một nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Lạc Long Quân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc làm 4 nhân viên tử vong.
Cũng vào rạng sáng ngày 7/12, tại hẻm đường Nguyễn Thị Nhờ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ cháy nhà làm 3 người thiệt mạng. Cơ quan chức năng đã đến hiện trường, tuy nhiên, ngõ nhỏ, nhà dân san sát nhau nên việc khắc phục những thiệt hại rất khó khăn.
Đặc biệt, vào khoảng 19 giờ 45 phút đêm 10/12, vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại tổ dân phố 1C, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng khiến 4 người trong cùng một gia đình thiệt mạng.
Hay như vụ cháy lúc 4 giờ 50 phút ngày 11/12, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy tại nhà ông Đỗ Văn Hải ở khóm 2, thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau và nhanh chóng lan sang 11 căn nhà lân cận làm một trẻ 11 tuổi thiệt mạng do người nhà nghĩ cháu đã thoát khỏi đám cháy.
Gần đây nhất, vào 11 giờ 15 ngày 12/12, trên địa bàn xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ hỏa hoạn, thiêu rụi 2 căn nhà sàn gỗ và 1 căn bungalow của gia đình ông Trương Quốc Khánh, thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải. Theo lãnh đạo xã Lao Chải, nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định là do trong quá trình sinh hoạt, gia đình ông Khánh đốt củi khiến tàn lửa từ ống khói không may bắt vào mái lá cọ gây cháy nhà.
Còn ở Yên Bái, vào lúc 19 giờ 30 phút tối 5/12, trên địa bàn xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn 3 nhà dân. Mặc dù chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng kịp thời chữa cháy nhưng gió lớn, vật liệu làm nhà là đồ dễ bén lửa nên vụ cháy khó kiểm soát, rất may không có thiệt hại về người.
Có thể nói, nhìn vào hiện trường những vụ cháy trên, nguyên nhân hầu hết dẫn đến chết người đều có một điểm chung là những căn nhà có đông người ở, nơi ở chật hẹp, đồ đạc sắp xếp lộn xộn, hệ thống điện bất hợp lý và hàng hóa sắp xếp chiếm các lối thoát hiểm (đối với những căn nhà vừa là nơi ở vừa là điểm kinh doanh). Các vụ cháy lại chủ yếu xảy ra lúc khuya hoặc rạng sáng, là thời điểm mà những người trong các gia đình đang ngủ say, tinh thần không được tỉnh táo để có thể bình tĩnh tìm phương cách thoát thân và đưa người trong nhà thoát thân.
Khi xảy ra cháy, lối thoát hiểm bị bịt kín không tìm được đường thoát, không có thiết bị phòng cháy chữa cháy dẫn đến việc những người trong nhà hoảng loạn, bế tắc kêu cứu và tử vong do ngạt khói. Và điều đáng nói nhất là sau những vụ cháy nổ trên dù nguyên nhân là do đâu, có được bồi thường hay không thì mất mát trên hết vẫn là người dân. Nỗi đau mất người thân chưa nguôi, người ở lại phải đối mặt với cuộc sống khó khăn khi mà toàn bộ tài sản đều bị thiêu rụi.
Do vậy, theo các chuyên gia, việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy là điều vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, người dân rất cần thiết phải tự tìm hiểu và trang bị cho mình những biện pháp để có thể khắc phục rủi ro một cách tối ưu nhất.
Cùng đó, các cấp chính quyền, địa phương cần không ngừng lồng ghép trong các cuộc họp, gặp mặt cuối năm để tuyên truyền khuyến cáo người dân, nhất là các nhà dân sử dụng nhà mình làm nơi ở vừa kết hợp với kinh doanh cần nâng cao ý thức phòng cháy; cần trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong nhà, cần sắp xếp đồ đạc, kiểm tra hệ thống điện, cần có lối thoát hiểm và cần có những kỹ năng thoát khỏi đám cháy.
Hiện, đang là thời điểm cuối năm, đồng nghĩa với việc hàng hóa được nhân dân tích trữ nhiều. Do vậy, việc chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cũng như tuân thủ nghiêm những quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ ngay tại những cơ sở sản xuất, khu dân cư, sang chiết gas, cửa hàng xăng dầu là rất cần thiết, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về tính mạng, tài sản do hỏa hoạn gây ra.
Thủy Thanh