■ Ông Phạm Văn Long, phường Hồng Hà hỏi: Tôi là thương binh hạng 4/8, con tôi đang học tiểu học. Vậy con tôi có được ngân sách Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không?
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Theo điểm K, Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BHYT-BTC và Khoản 1, Mục II Thông tư liên tịch Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội số 32/TT-TB ngày 27/11/1985. Điều kiện để con đẻ thương binh được ngân sách Nhà nước cấp thẻ BHYT là con đẻ từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61%. Do ông là thương binh hạng 4/8, tương đương với thương binh hạng III, bị suy giảm khẳ năng lao động từ 41% đến 60% nên con ông không thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước cấp thẻ BHYT.
■ Bạn Nguyễn Văn Trung, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái hỏi: Những đối tượng nào được cấp thẻ BHYT có các ký hiệu K1, K2, K3? Các ký hiệu này có ý nghĩa như thế nào?
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Theo Khoản 5, Điều 22 Luật BHYT; Quyết định số 1.351/QĐ-BHXH, ngày 16/11/2015: quy định người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng như đi KCB đúng quy định.
Để bảo đảm quyền lợi KCB BHYT và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nêu trên khi đi KCB nên cơ quan BHXH đã cấp thẻ BHYT có các ký hiệu K1, K2, K3, cụ thể như sau:
K1: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
K2: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều hiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
K3: là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Khi đó, chỉ các thẻ BHYT có ký hiệu K1, K2, K3 mới được hưởng quyền lợi khi đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển tuyến.
■ Bạn Lê Thị Lan, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái hỏi: Tôi tự đi khám bệnh tại tuyến Trung ương nhưng sau đó tôi được chỉ định vào điều trị nội trú. Vậy tôi có được thanh toán chi phí KCB ngoại trú không?
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Trường hợp bạn đi KCB ngoại trú vượt tuyến trung ương sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú thì toàn bộ các chi phí KCB ngoại trú (chí phí xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh... được quỹ BHYT thanh toán 40% trong phạm vi quyền lợi hưởng. Chi phí này tổng hợp vào chi phí điều trị nội trú.
P.V