Đồng thời, nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và vốn văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc huyện Văn Yên; thông qua các lễ hội để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách thập phương về con người và những tiềm năng, thế mạnh của huyện Văn Yên, góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và nghị quyết của HĐND các cấp về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, huyện Văn Yên đã có những sự chuẩn bị rất chu đáo về mặt nội dung, hình thức, đảm bảo mọi hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với bản sắc của các dân tộc trong huyện, truyền thống văn hóa của địa phương.
Quá trình hoạt động lễ hội phải đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuyệt đối không lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, bói toán, xóc thẻ, giải hạn, các hoạt động cờ bạc trá hình dưới mọi hình thức.
Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, đa sắc tộc, dịp đầu xuân trên địa bàn huyện Văn Yên có 20 lễ hội; trong đó 19 lễ hội do UBND các xã chủ trì tổ chức, 1 lễ hội UBND huyện tổ chức, đó là lễ hội đền Đông Cuông.
Các lễ hội trên địa bàn huyện mang đậm bản sắc các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, có từ rất lâu đời và thu hút đông đảo du khách thập phương như: lễ cầu đình (lễ mở cửa rừng) Đình Chạng, xã Phong Dụ Thượng; lễ hội đền Đại An, xã An Thịnh, tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 5 tháng Giêng đến hết ngày 6 tháng Giêng, tại thôn Đại An xã An Thịnh; lễ hội đền Đông Cuông, tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 12 tháng Giêng đến hết ngày 13 tháng Giêng, tại thôn Bến Đền xã Đông Cuông; lễ hội đền Trạng, tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 18 tháng Giêng đến hết ngày 19 tháng Giêng, tại thôn Trạng, xã Yên Thái; lễ hội tết rừng, tổ chức trong 2 ngày, từ 29 tháng Giêng đến hết ngày 1 tháng Hai, tại Bản Tát xã Nà Hẩu…
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn huyện Văn Yên, Phòng Văn hóa huyện Văn Yên đã hướng dẫn UBND các xã có di tích được xếp hạng chủ động xây dựng kế hoạch từ rất sớm để tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương mình đảm bảo theo đúng hồ sơ di tích và kịch bản đã được phê duyệt; việc kiện toàn và thành lập ban tổ chức lễ hội tại các xã được thực hiện với đầy đủ các thành phần và phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên.
Trên cơ sở đó, các địa phương đều xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức lễ hội và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng như các trò chơi dân gian gắn với bản sắc văn hóa dân tộc để khơi dậy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để mùa lễ hội năm nay diễn ra tươi vui, lành mạnh và an toàn; qua đó, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và vốn văn hóa dân gian góp phần thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan thông tin tuyên truyền của huyện, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm một số văn bản của trung ương, của tỉnh như: Nghị định số 110 của Chính phủ, quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 26 của UBND tỉnh Yên Bái về việc Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái…
Chỉ đạo Công an huyện xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông tại các xã diễn ra lễ hội; xử lý nghiêm các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, bói toán, xóc thẻ, giải hạn...., các hoạt động cờ bạc trá hình tại các lễ hội. Giao cho Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu, nam nữ diễn viên, vận động viên và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại khu vực diễn ra các lễ hội, kiểm tra các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống quanh khu vực diễn ra các lễ hội; bố trí lực lượng y, bác sĩ trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày tổ chức lễ hội tại các khu vực diễn ra lễ hội.
Lê Phiên