Người Việt Nam uống rượu, bia khi vui, khi buồn, khi gặp gỡ đối tác, gặp gỡ bạn bè, thậm chí chẳng có lý do gì cũng… uống. Có thể thấy bản chất rượu, bia không xấu nhưng lạm dụng rượu, bia quá mức để dẫn đến những hậu quả khôn lường liên quan đến tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật, gia đình ly tán… mới là vấn đề đáng lên án.
Niềm vui từ bàn nhậu đến giường bệnh
Vẫn còn nguyên nỗi đau, sự ám ảnh khi người chồng vừa ra đi vì bệnh ung thư vòm họng, bà N.T.L ở huyện Trấn Yên bùi ngùi chia sẻ: "Chồng tôi uống rượu từ ngày còn trẻ, tuổi càng cao thì lượng rượu uống mỗi ngày càng tăng. Dù vợ con có khuyên bảo thế nào chồng tôi vẫn uống. Cho đến một ngày, đột ngột sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, cân nặng tụt nhanh trong vòng một tháng, ăn, uống khó nuốt, đến cốc rượu cũng không trôi chồng tôi mới dừng uống và đi khám bệnh. Ngày nhận kết quả ung thư vòm họng giai đoạn cuối, mọi thứ như đổ sụp trước mắt cả gia đình. Những tháng cuối cùng của cuộc đời, đau đớn vì bệnh tật, chồng tôi tâm sự rất ân hận vì uống nhiều rượu, còn tôi và các con ân hận vì không quyết tâm bắt chồng cai rượu”.
May mắn hơn chồng bà N.T.L, ông T.V.T 60 tuổi ở huyện Lục Yên đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái gần một tháng nay vì liệt dây thần kinh số 7, méo miệng sau một lần uống rượu bị cảm. Kể về lịch sử uống rượu của mình, ông T.V.T kể không thể nhớ được bắt đầu uống rượu từ năm bao nhiêu tuổi nhưng đến nay hàng ngày ông luôn uống đủ 3 bữa rượu sáng, trưa, tối. Ông T.V.T cho biết: "Bác sĩ cấm không cho uống rượu nhưng giờ miệng tôi hết méo, thấy bác sĩ bảo mai được ra viện, khỏe rồi thì về nhà tôi phải uống rượu chứ. Già rồi, cai thế nào được, thiếu rượu chân tay bủn rủn không làm được gì”.
Rượu, bia còn là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Sau mỗi cuộc vui, những "ma men” chính là tử thần, nỗi ám ảnh trên đường phố khi không chỉ gây tai nạn cho mình mà cho cả người khác. Quá nhiều hậu quả, số phận phía sau chiếc vô lăng, thế nhưng không phải người lái xe nào cũng nhận thức được điều ấy.
Bác sĩ Bùi Ngọc Thủy - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện thành phố Yên Bái cho biết: "Có đến 30 - 40% bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông ở bệnh viện chúng tôi là do sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, đã thành quy luật mỗi dịp lễ, tết, tỉ lệ này lại càng tăng.
Tai nạn giao thông do sử dụng đồ uống có cồn gây ra thường rất nặng, để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Nhiều người không chỉ bị chấn thương sọ não mà còn bị gãy đùi, cụt tay, vỡ hàm mặt, dập nội tạng.
Ngoài ra, rượu, bia có thể gây nên loạn thần, mất khả năng kiểm soát hành vi, gây nên các bệnh như ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư phổi… Người Việt nói chung và ở một tỉnh miền núi như Yên Bái nói riêng, nhân dân không có thói quen khám bệnh định kỳ nên thường khi phát hiện ra các bệnh đều ở giai đoạn muộn, khó chữa trị”.
Hạnh phúc chênh vênh trên miệng cốc
Trên thực tế, cũng như việc trở thành nguyên nhân của không ít trường hợp bệnh tật, tai nạn giao thông, rượu, bia còn là "ngòi nổ” phá nát hạnh phúc nhiều gia đình. Sau mỗi cuộc chén chú, chén anh của chồng, chị H.T.D ở thành phố Yên Bái lại hứng chịu những lời chửi bới, trận mưa đòn, cú đấm thâm tím mặt mày.
Mỗi lần đánh là mỗi lý do, có khi do đi nhậu quá khuya mà chị ngủ quên không thức đợi đến khi chồng về, có khi là do chào không đủ to hay chồng chị bỗng chướng mắt với đồ đạc mà xưa nay vốn vẫn để chỗ đấy… Lúc tỉnh rượu, chồng chị H.T.D lại xin lỗi, lại hứa không bao giờ có lần sau. Tuy nhiên, trăm lời hứa, vạn lời thề vẫn không đánh bại được sự mê hoặc của rượu, bia. Bị chồng đánh vì những lý do vô lý là vậy nhưng chị H.T.D vẫn chịu đựng nhiều năm qua, lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị tâm sự: "Chồng đánh khi say đấy mà tỉnh rượu vẫn tập trung làm ăn, chăm lo cho gia đình. Nếu tôi ly dị, con chúng tôi sẽ không có đủ cả cha lẫn mẹ, chúng nó còn nhỏ quá”.
Bên cạnh bạo lực gia đình, hàng năm, nhất là mỗi dịp lễ tết còn có hàng nghìn vụ đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng sau khi quá chén. Gần đây, dư luận xã hội rúng động trước vụ việc một nhóm đối tượng cầm hung khí chém 3 người trọng thương xảy ra tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên vào ngày 22/3/2019.
Theo đó, sau khi cùng nhau uống rượu, một nhóm thanh niên 9X tại huyện Lục Yên đã giải quyết mâu thuẫn xảy ra từ trước bằng dao, kiếm, tuýp sắt. Hậu quả, 3 nạn nhân bị chém trọng thương, trong đó 2 người bị nặng nhất là bị chém vào đầu và vai.
Tiếp đó là vụ việc mâu thuẫn khi uống rượu trên địa bàn huyện Mù Cang Chải khiến một nam thanh niên tử vong vào dịp 30/4/2019. Trong lúc ăn cơm, uống rượu tại nhà anh Vàng Chù Vàng (sinh năm 1971), tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, giữa Giàng A Thào (sinh năm 1991) và Giàng A Lồng (sinh năm 1987) đã xảy ra cãi vã, xích mích.
Trong lúc hai bên xô xát, đối tượng Giàng A Thào đã lấy con dao nhọn dùng để cắt bánh trên mâm đâm vào bụng Giàng A Lồng làm Lồng bị thương nặng. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Giàng A Lồng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Rượu, bia có thể biến người hiền lành thành kẻ vũ phu, máu lạnh, giết người, mọi nghĩa tình cũng đều tan thành mây khói. Theo số liệu thống kê, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiêu thụ rượu, bia cao hàng đầu châu Á. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia, trong đó, 1/4 trong số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.
Không thể làm ngơ trước tác hại của rượu, bia
Nhiều cuộc vui khởi nguồn từ rượu, bia và điểm kết thúc là giường bệnh, là hạnh phúc gia đình, là mạng sống, là mất trật tự trị an mỗi vùng quê. Trước thực trạng này, nhiều năm qua đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin tuyên truyền phổ biến về tác hại của bia, rượu đối với sức khoẻ, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, các quy định, mức xử phạt, chế tài, các thông điệp dưới nhiều hình thức thể hiện để cảnh báo hậu quả của tai nạn giao thông.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực với nhiều quy định tiến bộ, nhân văn. Luật không chỉ quy định 13 điều cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia mà còn quy định các biện pháp giảm mức độ tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại rượu, bia; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia...
Tuy nhiên, để những tác hại của rượu, bia thực sự bị đẩy lùi không chỉ ở điều luật, mức xử phạt nặng mà phải từ mỗi cá nhân. Có hàng nghìn lý do để nhậu thì cũng có hàng nghìn hậu quả do rượu, bia để lại. Vậy tại sao chúng ta không lấy đó làm lý do để hạn chế sử dụng rượu, bia. Đã đến lúc mỗi người phải tự ý thức để bảo vệ những người thân và bảo vệ cho cuộc sống của chính mình.
Lê Thương
Bổ sung 6 điểm mới trong một số điều khoản, Luật Phòng , chống tác hại rượu bia chính thức
có hiệu lực từ 1/1/2020
- Điều 5, Khoản 6: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Điều 12 và 13: Không quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia và không quảng cáo trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao; trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.
- Điều 32, Khoản 5: Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.
- Điều 32, Khoản 6: Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ phải có trách nhiệm nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
- Điều 32, Khoản 7: Kể từ ngày Luật có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
- Điều 34, Khoản 2: Gia đình có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên kỹ năng từ chối uống rượu bia; nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia. |
ĐƯA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA ĐẾN NGƯỜI DÂN QUA NHIỀU KÊNH
Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Để tìm hiểu về lợi ích và việc triển khai Luật đến người dân. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Quyết - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái xung quanh vấn đề này.
PV: Theo ông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được triển khai từ 1/1/2020 mang lại lợi ích gì cho người dân?
Ông Trần Xuân Quyết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Luật được thực hiện mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.
Thứ nhất: Việc thi hành Luật sẽ làm thay đổi dần hành vi "văn hóa ăn nhậu” của người dân. Trong rất nhiều công việc, lĩnh vực công tác ở khu vực tư nhân hay Nhà nước đều diễn ra việc ăn nhậu khá thường xuyên, đồng thời rất nhiều mối quan hệ công việc, đối tác, cơ hội làm ăn... được giải quyết trên bàn nhậu.
Cũng cần nói rõ, việc sử dụng bia rượu ở mức độ phù hợp trong cuộc vui, khi ngoại giao, tiệc tùng là không xấu. Nhưng "văn hóa ăn nhậu" như ở nước ta nảy sinh nhiều tiêu cực, tình trạng lạm dụng rượu, bia còn gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Quy định cấm của Luật có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thay đổi, ngăn chặn "văn hóa ăn nhậu”. Vì vậy, cần triển khai, thực thi quy định cấm này vào đời sống, bắt đầu bằng việc điều chỉnh hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Thứ hai: Việc triển khai Luật là rất nhân văn giúp nhiều gia đình sống hạnh phúc hơn, giảm bớt gánh nặng cho xã hội về những hậu quả liên quan đến rượu, bia gây ra. Thực tế vì lạm dụng rượu, bia mà nhiều gia đình khi người chồng đi uống rượu về đánh chửi vợ con, tan vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí gây án mạng trên bàn nhậu chỉ vì say xỉn… để lại hậu quả nặng nề cho các gia đình và xã hội. Vì vậy, việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa và các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các hiện tượng trên, góp phần xây dựng xã hội văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Thứ ba: Một lợi ích nữa mà chúng ta đều thấy đó là ngăn chặn, giảm thiểu sự tác hại của việc sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông. Mỗi năm cả nước xảy ra gần 20 nghìn vụ tai nạn giao thông làm khoảng 8 nghìn người chết và 14 nghìn người bị thương, chi phí cho tai nạn giao thông mỗi năm chiếm tới 2,9% GDP cả nước, trong đó, theo đánh giá có khoảng 40% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.
Chiến sĩ cảnh sát giao thông đo kiểm tra nồng độ cồn của các chủ phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Hùng Cường)
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy và cả xe đạp đã sử dụng rượu, bia là rất mạnh, sẽ hạn chế được tình trạng đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thời sẽ giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
PV: Ban An toàn giao thông đang triển khai tuyên truyền thế nào để Luật đến với người dân, thưa ông?
Ông Trần Xuân Quyết: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên tổ chức tuyên truyền cho người dân, các tầng lớp nhân dân thông qua các kênh truyền thông của tỉnh, các ngành; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; lực lượng chức năng đã tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát chuyên đề về nồng độ cồn…
Với Chủ đề Năm an toàn giao thông 2020 là "Đã uống rượu, bia, không lái xe”, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo đảm trật tự ATGT năm 2020; Kế hoạch tuyên truyền ATGT Tết Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền về nồng độ cồn và Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia trên hệ thống loa truyền thanh tại các cột đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố vào 2 khung giờ 6h30 - 7h30 và 16h30 - 17h30 hàng ngày.
Ngày 14/01/2020, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT 2020 và đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Canh Tý với chủ đề "Đã uống rượu, bia, không lái xe”.
Đồng thời, trong năm Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng ý thức văn hóa cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Anh Bùi Xuân Thủy - giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái:
"Là một giáo viên đứng lớp, thường xuyên phải tiếp xúc với học sinh, tôi thấy việc sử dụng rượu, bia trước giờ lên lớp hay uống rượu bia là điều cấm kỵ với mỗi giáo viên. Bởi khi uống rượu quá chén sẽ có những biểu hiện, hành động khó kiểm soát, làm mất tư cách người thầy trước các em học sinh. Tôi rất phấn khởi khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, giúp mọi người từ bỏ được các cuộc rượu vô bổ, điều khiển các phương tiện tham gia giao thông an toàn”.
Chị Hà Thị Toàn - tổ 4, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái:
"Từ khi Luật được triển khai tôi mừng lắm. Đã tham gia giao thông thì không nên uống rượu, bia. Có thể ban đầu vẫn còn nhiều người vi phạm nhưng chắc chắc Luật sẽ sớm nhanh chóng đi vào cuộc sống, thay đổi ý thức, hành vi của mỗi người, giảm bớt tình trạng tại nạn giao thông do sử dụng bia, rượu”.
Anh Vũ Văn Sơn - tài xế taxi Mai Linh tại Yên Bái:
"Luật ra rồi, đề nghị phải thực hiện nghiêm. Ngành chức năng cần xử phạt nghiêm các hành vi uống rượu, bia điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, không nương tay vì lợi ích cá nhân. Tôi cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp thực thi nhiệm vụ liên quan tới vấn đề xử phạt hành vi này mà tham nhũng vặt, để việc thực hiện Luật được nghiêm minh tuyệt đối”. |
Bùi Minh (thực hiện)