Văn hóa ứng xử trong gia đình là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện thông qua sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và sự hy sinh cho con cái, sự tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ, anh em...
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (BTCƯXTGĐ) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2017 là một động thái tích cực, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình.
Yên Bái là một trong số 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền văn hóa trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện thí điểm BTCƯXTGĐ. Cuối năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo triển khai thí điểm BTCƯXTGĐ tại 2 xã Xuân Ái và Lâm Giang của huyện Văn Yên. Trong đó, mỗi xã lựa chọn 300 hộ tham gia ký cam kết thực hiện theo các tiêu chí chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.
Cụ thể các tiêu chí là: ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em; ứng xử vợ chồng và ứng xử của cha, mẹ với con, ông bà với cháu. Chị Tô Thị Kim Huế - cán bộ văn hóa - xã hội xã Xuân Ái chia sẻ: "Địa phương lựa chọn thôn Sông Hồng và thôn Trung Tâm triển khai thí điểm, được người dân nhiệt tình ủng hộ, ký cam kết thực hiện.
Quá trình triển khai, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cổ động trực quan như: băng rôn, cờ phướn, pa nô, tờ rơi; đồng thời phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, Hội Người cao tuổi tổ chức thường kỳ 2 buổi sinh hoạt/tháng, theo từng chuyên đề, nội dung các tiêu chí trong BTCƯXTGĐ.
Qua đó, người dân địa phương đã có thêm nhiều hành động, thái độ, cách ứng xử bình đẳng, tôn trọng, yêu thương, chia sẻ và cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ những vui buồn, khó khăn, hoạn nạn trong cộng đồng”.
Tại xã lâm Giang, huyện Văn Yên, chính quyền triển khai thí điểm tại thôn Trục Trong và thôn Ngũ Lâm. Trong đó, lấy thôn Trục Trong với 215 hộ, 100% là người dân tộc Dao làm chính.
Anh Vũ Đình Văn - cán bộ văn hóa - xã hội của xã cho biết: "Địa bàn thôn Trục Trong tương đối rộng, trình độ văn hóa của người dân còn thấp, công tác tuyên truyền chủ yếu trên loa phát thanh và trong các buổi họp thôn. Song, người dân địa phương đều đồng tình ủng hộ, ký cam kết thực hiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân hiểu được thêm các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa trong cuộc sống, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, cộng đồng”.
Hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này đã và đang hàng ngày, hàng giờ tác động vào mỗi gia đình.
Các mối quan hệ đạo đức truyền thống trong gia đình như: kính trên, nhường dưới, hiếu thảo, chung thủy... đã và đang bị mai một. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp; sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức.
Hiện tượng bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Đã có không ít người con không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý...
Việc triển khai đưa BTCƯXTGĐ vào cuộc sống là chủ trương đúng đắn, tác động tích cực về ý thức pháp luật, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước; đặc biệt, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Vũ Đồng