Việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết không những gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của từng gia đình như: làm tăng tỷ lệ nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống, con cái sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh, thậm chí là tử vong...
Theo thống kê, năm 2017, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 168 trường hợp tảo hôn, 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Năm 2018, trên địa bàn có 198 trường hợp tảo hôn, 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống, chủ yếu thuộc đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại các thôn, bản xa trung tâm.
Từ những số liệu thống kê cho thấy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết có chiều hướng gia tăng qua các năm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, cấp ủy, chính quyền huyện đã chú trọng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết xảy ra trên địa bàn.
Với sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, năm 2019, trên địa bàn không xảy ra tình trạng kết hôn cận huyết thống, tảo hôn giảm còn 147 trường hợp.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh việc tăng cường xây dựng các quy định, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy ước, hương ước, thỏa thuận của thôn, bản về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu cũng luôn chú trọng xây dựng các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống như: chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện xây dựng các nội dung tuyên truyền theo lĩnh vực, chuyên môn công tác của mình phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc.
Đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ chức các cuộc thi, hội thi tuyên truyền ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xây dựng các tin bài, phóng sự phù hợp với từng vùng, dân tộc để tổ chức phát lưu động qua các lượt xe loa đến các vùng sâu, vùng xa.
Chú trọng công tác tuyên truyền tại các nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhất là học sinh nắm được những hậu quả xấu của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; vận động học sinh đến trường theo quy định, không để tình trạng học sinh bỏ học ở nhà dễ dẫn đến tình trạng kết hôn sớm.
Tăng cường phối hợp với các ban, sở, ngành của tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện, trao đổi về các tác hại, hệ lụy, ảnh hưởng xấu của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó đưa ra những lời khuyên, cách phòng ngừa, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Quan tâm củng cố, duy trì các mô hình, câu lạc bộ như: mô hình "Can thiệp giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ "Tiền hôn nhân”... tại cơ sở.
Qua đó, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân, từng thành viên trong gia đình kịp thời nắm tình hình, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ngay khi có dấu hiệu phát sinh. Bên cạnh đó, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động con cháu, dân bản chấp hành chủ trương, chính sách nói chung và ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nói riêng.
Bà Lê Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: Những kết quả thu được trong công tác vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn Trạm Tấu thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cuộc sống đồng bào Trạm Tấu còn nhiều hủ tục, tảo hôn, hôn nhân cận huyết là một thí dụ.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động hơn, lấy phụ nữ, thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng làm đối tượng tuyên truyền chính, qua đó thay đổi và nâng cao nhận thức phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ tệ nạn xã hội và những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Lê Phiên