Cũng như các thầy cô trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, các thầy cô giáo ở huyện Lục Yên đã vận dụng tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin, các mạng xã hội zalo, facebook, gmail... vào việc giao bài tập cho học sinh làm tại nhà.
Tuy nhiên, đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, không phải tất cả các phụ huynh, gia đình học sinh đều có điều kiện sử dụng các thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh nên tỷ lệ ở cấp tiểu học giao chỉ đạt 58,5%; cấp THCS đạt 70,6%.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Lục Yên cho biết: Đối với những học sinh gia đình không có mạng để sử dụng zalo, messenger, gmail… thì giáo viên phô tô nội dung ôn tập sau đó liên lạc để chuyển tới học sinh bằng nhiều hình thức như: phân giáo viên giao bài theo nhóm thôn bản, hội phụ huynh của lớp, có sự hỗ trợ của trưởng thôn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên thôn bản... trong việc chuyển bài đến các em.
Đặc biệt, đối với những học sinh nhà ở xa, đường đi lại khó khăn không liên lạc được với phụ huynh, giáo viên phải đến tận nơi giao bài và hướng dẫn các em làm. Với hình thức này, cấp tiểu học giao được cho 4.590/11.071 học sinh, tỷ lệ 41,5%; cấp THCS giao được cho 2.004/6.824 học sinh, tỷ lệ 29,4%”.
Với cách làm này, các học sinh trên địa bàn huyện Lục Yên đều được giao bài tập tại nhà. Đánh giá ban đầu, đa số học sinh đều hoàn thiện bài được giao, chất lượng hoàn thành tốt, các em có ý thức học tập. Phụ huynh quan tâm, luôn kết nối với giáo viên để nhận bài và trao đổi kết quả bài làm của con em mình. Các giáo viên tích cực giám sát các em trong quá trình hoàn thiện các bài tập.
Tuy nhiên, một bộ phận học sinh chưa thực sự tích cực tự học, một số phụ huynh chưa quan tâm đến học tập, phụ huynh đi làm ăn xa không quản lý được. Đối với đội tuyển học sinh giỏi cấp THCS, trong thời gian nghỉ vẫn duy trì việc ôn luyện đảm bảo đúng tiến độ thời gian, theo nhiệm vụ được phân công phụ trách từng môn học, các thầy cô hàng ngày vẫn giao bài, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà bằng các hình thức như giao trực tiếp phiếu bài tập, gửi qua các ứng dụng mạng xã hội và thầy trò trao đổi kết quả bài làm thông qua các ứng dụng đó”.
Yên Bái là địa phương miền núi, nhiều nơi đời sống của người dân còn khó khăn, chưa có điều kiện để sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, do đó cách làm của huyện Lục Yên nhờ sự hỗ trợ của trưởng thôn, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trong việc chuyển bài tập tới học sinh được đánh giá hiệu quả và sáng tạo tại thời điểm hiện tại.
Cũng với cách làm này, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã khuyến khích các trường học phối hợp với lực lượng đoàn viên thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong việc chuyển bài tập trực tiếp tới cho học sinh những nơi không sử dụng được công nghệ.
Trong đó, Sở yêu cầu không được sử dụng lực lượng đoàn viên thanh niên là học sinh. Sở cũng yêu cầu tùy tình hình thực tiễn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, nhận xét kết quả học của học sinh theo nội dung và cách thức phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT cho biết: "Các đơn vị trường học bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng ôn luyện thì một số giáo viên có trình độ công nghệ cao đã tự thiết kế các không gian nhỏ, lớp học ảo trên các ứng dụng để tổ chức lớp học. Theo đó, đúng thời khoá biểu, ngày giờ, học sinh online cùng nghe cô giáo giảng. Một số giáo viên của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã làm được điều này. Còn lại các giáo viên sử dụng email giao bài và hẹn thời gian trả bài.
Các địa phương không có điều kiện học qua mạng đã sử dụng hình thức giao bài trực tiếp như tại Nghĩa Lộ đã giao bài trực tiếp cho 100% học sinh, Lục Yên cũng có tỷ lệ giao bài trực tiếp cao thông qua hệ thống trưởng thôn bản, các đoàn thể... Đối với những nơi giao bài trực tiếp thì chúng tôi hướng dẫn giáo viên giao bài theo tuần và tránh gây áp lực, mà mục tiêu là duy trì thói quen tự học, giữ mối liên hệ giữa nhà trường – gia đình và xã hội, đã mang lại hiệu quả”.
Trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid–19 vừa qua, Sở cũng đưa vào nhiều ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo điều hành cho kịp thời. Các văn bản chỉ đạo phòng dịch cũng như hướng dẫn duy trì các nhiệm vụ giáo dục được thực hiện nhanh kịp thời thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook.
Đặc biệt, Sở đã đưa vào sử dụng ứng dụng tin nhắn Brandname đến tất cả các đơn vị trực thuộc và 9 phòng GD-ĐT. Ứng dụng này có thể kèm được theo các văn bảo chỉ đạo tức thời của toàn ngành, hoặc cập nhật thông tin được nhanh chóng.
Việc áp dụng công nghệ thông tin cùng những cách làm hay tại các vùng còn khó khăn chưa có điều kiện sử dụng các thiết bị hiện đại đã giúp ngành GD-ĐT Yên Bái duy trì cơ bản nhiệm vụ giáo dục trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ để phòng dịch Covid-19.
Thanh Ba