Để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về Phong trào thi đua dân vận khéo (DVK), Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Yên ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn để chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở thực hiện.
Trong đó, hàng năm mỗi chi, đảng bộ Khối cơ quan, đơn vị, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phấn đấu xây dựng 1 - 2 mô hình thuộc lĩnh vực phụ trách; đảng bộ các xã, thị trấn xây dựng từ 2 - 3 mô hình.
Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình DVK điển hình đã được công nhận và đang phát huy hiệu quả. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã đăng ký xây dựng 1.378 mô hình DVK và hiện đang duy trì 877 mô hình (310 mô hình lĩnh vực kinh tế, 452 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội, 74 mô hình quốc phòng - an ninh, 41 mô hình lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị).
Đặc biệt, Văn Yên là huyện có đông đồng bào theo đạo Công giáo với trên 27.000 tín đồ, chiếm 22% dân số; do đó, cấp ủy, chính quyền huyện luôn chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo sống "Tốt đời đẹp đạo”, "Kính Chúa yêu nước”, chấp hành và thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương, xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước…
Ông Nguyễn Tiến Dũng - giáo dân thôn 6 Gốc Gạo, xã Tân Hợp không chỉ làm kinh tế giỏi với mô hình trồng quế, đóng bầu quế, bán cây giống mà còn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, XDNTM ở Tân Hợp.
Ngôi nhà và mảnh vườn 30m vuông được xây tường rào kiên cố, trồng gần 20 cây sưa có trị giá hơn 15 triệu đồng của ông Dũng nằm ngay khu vực trung tâm, đầu đường đi vào xã. Thay vì giải tỏa lấy 3 m chiều ngang mặt đường, UBND xã Tân Hợp chủ trương mở rộng con đường với 6 m chiều ngang, đồng nghĩa với việc ông Dũng tự nguyện hiến hơn 100 m đất.
Thế nhưng, không một chút đắn đo, ông Dũng tiên phong thuê máy ủi đến san gạt mặt bằng, nhường đất để xây con đường liên thôn sạch đẹp. Nhờ hành động đó, hàng trăm hộ dân trong thôn đã học và làm theo.
Một số mô hình DVK tiêu biểu đã và đang mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong đồng bào Công giáo phải kể đến như: mô hình nuôi 3 vạn con gà của gia đình giáo dân Trần Thị Thu Hà, thôn Yên Thành, xã Yên Hợp; mô hình nuôi bò của gia đình giáo dân Đỗ Thị Nhẫn, thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh; mô hình VAC và sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng của gia đình giáo dân Phạm Hồng Nguyệt tạo việc làm, thu nhập cho 8 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng ở thôn Khe Bốn, xã Yên Hưng; mô hình xây dựng họ đạo tiên tiến ở thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh; mô hình thôn không có tệ nạn xã hội của thôn Cổng Trào, xã An Thịnh…
Hiệu quả từ việc xây dựng các mô hình DVK đã góp phần quan trọng trong việc XDNTM. Nhiều gia đình, cá nhân bà con giáo dân đã đóng góp tiền, công lao động, hiến đất làm đường, nhà văn hóa. Cùng đó, các mô hình DVK còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,9%, đời sống nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng được cải thiện rõ rệt.
Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào có đạo, huyện Văn Yên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phải thường xuyên tiếp xúc với các chức sắc, chức việc và giáo dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho bà con; quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo, tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết, thân tình.
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở; tích cực tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân vùng có đạo nâng cao nhận thức về công tác dân vận và xây dựng các mô hình DVK.
Trong triển khai xây dựng mô hình, cần nghiên cứu, khảo sát thực tế để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm, thực tế tại địa phương; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện, xây dựng mô hình; tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận…
Mai Linh