Ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh cho biết: "Công tác thông tin, truyền thông về ATTP được Yên Bái xác định là nhiệm vụ trọng tâm nên việc nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các đối tượng được các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Qua đó, giúp người dân nhận biết các mối nguy cơ mất an toàn, các biện pháp lựa chọn thực phẩm an toàn và các quy định của pháp luật về ATTP…”.
Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện, phát tờ rơi…; cải tiến cách tiếp cận, lượng thông tin phù hợp với đối tượng tiếp nhận đã lan tỏa được nội dung tuyên truyền trong cộng đồng và tới các đối tượng khác nhau.
Năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 713 buổi nói chuyện với trên 22.000 người tham dự, mở 118 lớp tập huấn cho trên 4.700 người, tổ chức 42 hội thảo với 2.018 người tham gia, thực hiện 897 băng rôn, khẩu hiệu, phát hành 411 băng đĩa, phát trên 37.000 tờ rơi… với nội dung hướng dẫn phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn đảm bảo ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, tác hại và cách phòng chống ngộ độc rượu, thận trọng với nấm độc… tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm của người dân.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Đồng chí Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Yên Bái cho biết: "Năm 2019, các ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP 9.741 lượt cơ sở sản suất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, phát hiện 1.086 cơ sở vi phạm. Các lực lượng chức năng đã xử phạt 390 cơ sở với số tiền hơn 347 triệu đồng, 45 cơ sở phải tiêu hủy 350 loại sản phẩm, trị giá hơn 220 triệu đồng và có 639 cơ sở bị nhắc nhở”.
Đáng chú ý như, năm 2019, ngành y tế đã kiểm tra 6.044 lượt cơ sở, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 93 cơ sở với số tiền hơn 150 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa, phụ gia không đảm bảo ATTP trị giá hơn 27 triệu đồng.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát, hậu kiểm 133 cơ sở, phát hiện 14 cơ sở chế biến thực phẩm chưa hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Ngành công thương kiểm tra trực tiếp tại 129 cơ sở, phát hiện 91 cơ sở vi phạm. Riêng trong dịp tết Nguyên đán, Tháng hành động về ATTP, tết Trung thu, ngành đã kiểm tra 746 cơ sở, phát hiện 138 cơ sở vi phạm, lập biên bản xử phạt hành chính 13 cơ sở với số tiền hơn 13 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo ATTP trị giá trên 30 triệu đồng.
Ngành công an phát hiện, xử lý 43 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trên 113 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá 45 triệu đồng.
Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 219 vụ, xử lý 166 vụ, phạt hành chính hơn 284 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 117 triệu đồng. UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra 2.427 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 75 cơ sở với số tiền hơn 82 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc không đảm bảo ATTP chủ yếu vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, quy định điều kiện về con người, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, bán buôn, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Nguyên nhân của các vi phạm này là do các tổ chức, cá nhân ý thức chấp hành chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận; do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, chưa quan tâm đầu tư trong lĩnh vực ATTP…
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng ATTP trên địa bàn năm 2019 mới chỉ tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm dài hạn; chính quyền một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo; sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý…
Vì vậy, năm 2020, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh xác định tập trung tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh ngăn chặn các vi phạm về ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Mặt khác, chủ động kịp thời cung cấp thông tin ATTP cho người tiêu dùng, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện đảm bảo ATTP.
Thành Trung