Lý A Tủa - Bí thư Đoàn xã Púng Luông là thủ lĩnh Đoàn đầu tiên ra mắt mô hình. Làm Bí thư Đoàn xã từ năm 2011, ngay từ khi đó, Tủa đã trăn trở nhiều với việc làm thế nào để phát triển kinh tế, trước là cho chính cuộc sống gia đình, sau là để khích lệ động viên các đoàn viên thanh niên.
Với thế mạnh đồi rừng của gia đình, Tủa tính chăn nuôi là khả dĩ hơn cả. Năm 2015, Tủa bắt đầu nuôi dê. Đến giờ, Tủa phát triển chăn nuôi tổng hợp với quy mô nuôi 36 con dê, 9 con bò, 4 con trâu, 15 con lợn, 300 con gà và bồ câu, thu nhập một năm tầm 80 triệu đồng.
"Là người đầu tiên ra mắt mô hình trong phong trào thủ lĩnh Đoàn tiên phong phát triển kinh tế càng thêm động lực cho mình nỗ lực. Mình sẽ tiếp tục phấn đấu để có thể phát triển quy mô, nhất là tăng đàn dê lên tầm 100 con” - Tủa chia sẻ.
Ở Púng Luông, hiện giờ có khoảng 5, 6 đoàn viên thanh niên đã và đang mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế như Vàng A Công chăn nuôi gà đen, Lý A Mùa nuôi ong hay Giàng A Vàng nuôi dê. Tủa cho hay: "Mô hình của các đoàn viên này cũng cho thu nhập khá. Mình sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn, cùng động viên nhau làm ăn, cũng là để thêm thực tế cho các đoàn viên khác trong xã nhìn vào, học tập, giảm bớt tình trạng phải đi nơi khác tìm kiếm việc làm của nhiều thanh niên trong xã hiện nay”.
Phát huy tính tiên phong gương mẫu của những thủ lĩnh Đoàn thanh niên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thêm thu nhập của đoàn viên, thanh niên chính là mục đích cơ bản của phong trào này. Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải - Giàng A Ly cho biết: "Đã làm thủ lĩnh Đoàn thì cần phải tiên phong trên nhiều lĩnh vực. Với phong trào này, Huyện đoàn đặt chỉ tiêu cụ thể mỗi một đồng chí bí thư Đoàn cơ sở xã, thị trấn phải có một mô hình phát triển kinh tế rõ nét. Bởi vậy, các đồng chí ấy sẽ phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của gia đình, địa phương cho ý tưởng, kế hoạch mô hình của mình; biết cách phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất để xây dựng mô hình của mình sao cho hiệu quả. Với những đồng chí đã có mô hình kinh tế đang hoạt động hiệu quả thì phải tiếp tục tăng quy mô của mô hình”.
Mặc dù sẽ có những khó khăn không tránh khỏi như vốn, kinh nghiệm, kiến thức và những yếu tố khách quan ở một địa bàn huyện nghèo như Mù Cang Chải nhưng chỉ tiêu cụ thể đặt ra cũng chính là động lực để các bí thư Đoàn cơ sở ở Mù Cang Chải tìm tòi, nhìn ra những hướng đi cho phát triển kinh tế gia đình.
Bí thư Đoàn thị trấn Mù Cang Chải - Dương Thị Nhạc là một trong những người đang nỗ lực như vậy. Nhạc đang chăn nuôi gà mái đen bán trứng cùng gà giống và lợn nái đen, trung bình cũng cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.
"Tinh thần của "Thủ lĩnh Đoàn tiên phong” thôi thúc mình tìm thêm hướng phát triển mới. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu nuôi giống chó cộc đen của người Mông khá nhiều, mỗi con giống bán có giá từ 400 hay 500 nghìn đồng đến 7 hoặc 8 triệu đồng tùy độ thuần chủng nên tới đây mình đầu tư nuôi con mẹ giống chó này để tạo giống chó con. Mình sẽ cố gắng để có thể sớm ra mắt mô hình”.
Mô hình cụ thể, việc làm thực tế, hiệu quả rõ nét là những điều mà Huyện đoàn Mù Cang Chải đang kì vọng có được từ phong trào này, đó không chỉ tạo động lực khích lệ cho chính các bí thư Đoàn mạnh dạn dám nghĩ, dám làm mà còn là cách tuyên truyền, vận động thiết thực cho đoàn viên học tập, noi theo. Các mô hình sẽ thường xuyên được Huyện đoàn theo dõi, đôn đốc.
Các mô hình tiên tiến sẽ được biểu dương, khen thưởng để tạo sự lan tỏa trong đoàn viên thanh niên nhằm hướng đến nội dung "Thanh niên Mù Cang Chải thi đua thoát nghèo”. Phong trào này cũng là thêm một hoạt động cụ thể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn nói riêng và đoàn viên thanh niên trên địa bàn nói chung của tổ chức Đoàn nơi đây.
Thu Hạnh