Dịch vụ công tác xã hội: Nâng đỡ người yếu thế, vì một xã hội nhân văn

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2020 | 7:54:43 AM

YênBái - Cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho nhóm, cá nhân và gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh là một trong hai chức năng chính, cũng là lĩnh vực chuyên môn mới của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh sau khi được kiện toàn, đi vào hoạt động từ tháng 4/2014.

Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tìm hiểu, thu thập thông tin đối tượng người yếu thế.
Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tìm hiểu, thu thập thông tin đối tượng người yếu thế.

Không chỉ là một nhiệm vụ của cơ quan chức năng, đây còn là phương diện thể hiện tính nhân văn của xã hội, bởi vậy đã được đội ngũ cán bộ công tác xã hội của Trung tâm nỗ lực thực hiện không chỉ bằng trách nhiệm chuyên môn mà còn với cả cái tâm giữa người với người, mang lại cơ hội vượt lên khó khăn cuộc sống của người yếu thế, cũng là góp sức cho an sinh xã hội của tỉnh nhà. 

Tháng 10 năm 2018, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận khẩn cấp trường hợp một bé gái chừng 18 - 20 tháng tuổi bị bỏ rơi tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, có biểu hiện của chứng bại não. 

Sau khi làm thủ tục tìm lại cha mẹ đẻ cho bé nhưng không có ai đến liên hệ, Trung tâm đã tiếp nhận bé nuôi dưỡng tập trung. Bé được Trung tâm đưa đi thăm khám bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương, được làm thủ tục khai sinh với tên Phạm Bảo Ái và đặc biệt là được cán bộ ở Trung tâm chăm sóc tận tình dù việc chăm sóc bé rất vất vả bởi bé bị bại não. 

Sống trong "ngôi nhà chung” ở Trung tâm đến giờ được gần 4 năm, cũng là những thời gian cụ bà 85 tuổi Đỗ Thị Các được an nhàn khi được hưởng trợ cấp hàng tháng, được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc y tế. 

Đơn thân khi chồng con đều qua đời, cơm áo trông nom cả vào công việc thu gom phế liệu, được đưa về Trung tâm từ thôn Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, diện đối tượng bảo trợ xã hội, bà Các bảo: "Giờ mới có thể vứt bỏ hết mọi lo toan sống thanh nhàn phần đời còn lại”. 

Cũng hoàn cảnh thật lắm éo le, cháu Lại Việt Phương (16 tuổi) và Lại Nhân Kiệt (8 tuổi) - hai anh em con chú, con bác, đều mồ côi cả cha lẫn mẹ, giờ sống nương tựa vào bà nội đã ở tuổi 75, chỉ nom vào rau cỏ vườn nhà ở tổ 9, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. 

Nỗ lực trợ giúp cuộc sống ba bà cháu, Trung tâm kết nối với Câu lạc bộ Oto Fun Yên Bái mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu đồng cho hai cháu và hướng dẫn gia đình làm thủ tục hưởng chế độ cho người chăm sóc trẻ mồ côi. 

Cuộc sống của những con người yếu thế trong xã hội như bé Bảo Ái, bà Các hay hai cháu Việt Phương, Nhân Kiệt được hỗ trợ, có cơ hội vươn lên, đổi thay nhờ thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội mà Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã và đang thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Phạm Công Quyết chia sẻ: "Hiểu rõ ý nghĩa của dịch vụ công tác xã hội nên chúng tôi đã chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung này, nhất là để cho người dân trên địa bàn tỉnh biết được rằng, ở tỉnh có một nơi nuôi dưỡng những người yếu thế trong xã hội, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người dân đang gặp các vấn đề khó khăn không thể tự đảm bảo được cuộc sống”. 

Gần 30 hội nghị truyền thông kết hợp với tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo và cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn 9/9 huyện, thị, thành phố đã được Trung tâm tổ chức từ tháng 6/2014 đến nay. 

Qua đó, cán bộ địa phương cũng như người dân đã được nâng cao nhận thức, năng lực về dịch vụ xã hội và các dịch vụ công tác xã hội mà Trung tâm đang thực hiện, được trang bị và hỗ trợ một số kỹ năng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác phòng tránh xâm hại trẻ em. 

Lượng người dân biết đến và trực tiếp tìm đến Trung tâm để được tư vấn, trợ giúp cũng vì thế mà tăng lên. Trong thực hiện dịch vụ công tác xã hội, con người luôn là yếu tố quan trọng. Bởi vậy, cán bộ, viên chức tại Trung tâm được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành chức năng tổ chức. 

Bản thân Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành công tác xã hội cho cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm, góp phần nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu công tác. 

"Ngoài chuyên môn công tác xã hội vững vàng thì trách nhiệm, đạo đức và tâm huyết nghề nghiệp luôn là điều chúng tôi muốn vun đắp và lan tỏa trong đội ngũ làm công tác xã hội” - Giám đốc Phạm Công Quyết khẳng định.

Gần 6 năm từ khi đưa vào triển khai dịch vụ công tác xã hội, hơn 600 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được đưa vào quản lý trường hợp tại cộng đồng, thụ hưởng dịch vụ, trong đó rất nhiều trường hợp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua các hoạt động trợ giúp, nhiều đối tượng đã được hỗ trợ thụ hưởng chính sách, hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển gửi đến các trung tâm, dịch vụ xã hội khác phù hợp. Đặc biệt, năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ, kết nối cho 17 trẻ em được tiếp nhận phục hồi chức năng miễn phí tại Trung tâm Phục hồi chức năng Thụy An - Ba Vì - Hà Nội. 

Năm 2019, Trung tâm kết nối chuyển gửi 28 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải về nuôi dưỡng tại Làng trẻ SOS Thái Bình. Nhiều trường hợp khác được kết nối tặng quà, nhu yếu phẩm thiết yếu. Đặc biệt, nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được kết nối bảo trợ hàng tháng với số tiền trung bình 500 ngàn đồng/trẻ, giúp các em có thêm chi phí học tập. 

Tại Trung tâm, hiện đang có 96 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó 68 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 19 người cao tuổi, 9 người khuyết tật, tâm thần và da cam. 100% đối tượng tiếp nhận vào Trung tâm được sàng lọc, đánh giá, phân loại và có kế hoạch chăm sóc phù hợp. 100% đối tượng được đảm bảo nuôi dưỡng theo quy định, được tham gia bảo hiểm y tế và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. 

100% đối tượng thuộc nhóm trẻ được đi học và tạo mọi điều kiện để có kết quả học tập cao, được tham gia các hoạt động xã hội, diễn đàn trẻ em để có cơ hội giao lưu, hòa nhập cộng đồng để phát triển toàn diện về cả thể lực và trí lực. 

Để chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho đối tượng, Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y  tế phù hợp, tủ thuốc đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết, điều trị và mở sổ theo dõi cho từng đối tượng. Các hoạt động vui chơi giải trí cũng được Trung tâm tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đối tượng. 

Ngoài chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, từ tháng 2/2018, Trung tâm còn triển khai dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện dành cho các đối tượng không trong diện bảo trợ xã hội có nhu cầu theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí. Đến nay, có 19 đối tượng tự nguyện được tiếp nhận vào Trung tâm, trong đó 8 người đã được đưa về gia đình, 11 người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm. 

Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, hình thức này đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ chăm sóc người thân của nhiều gia đình hiện nay, nhất là đối với người cao tuổi, xây dựng môi trường phù hợp với người cao tuổi, được đối tượng hưởng thụ trực tiếp đánh giá hài lòng, phù hợp xu thế xã hội hiện đại.

Có thể nói, hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng ở Trung tâm và các đối tượng trên địa bàn tỉnh là một hoạt động chuyên môn mang tính nhân văn sâu sắc, trợ giúp các đối tượng yếu thế có cơ hội vượt lên hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Từ hoạt động thực tế, lãnh đạo Trung tâm nhận định Trung tâm đang đi đúng hướng trong các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các dịch vụ công tác xã hội đang được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội thực hiện:

■ Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp: tiếp nhận, đánh giá nhu cầu, sàng lọc, phân loại đối tượng, tư vấn giúp ổn định tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng, chuyển gửi tới các cơ sở y tế, trường học, bệnh viện... khi cần thiết. 

■ Tư vấn, tham vấn qua về các vấn đề xã hội qua 2 hình thức: tư vấn trực tiếp cho đối tượng có nhu cầu đến Trung tâm và qua đường dây nóng miễn phí 18001776. 

■ Quản lý trường hợp tại cộng đồng: qua thu thập, xác minh thông tin, nhân viên công tác xã hội sẽ xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế bằng các hình thức: tư vấn, hỗ trợ thụ hưởng chính sách, tư vấn hỗ trợ hồ sơ, thủ tục xin vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ, kết nối nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đối tượng. 

■ Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục xã hội và nâng cao năng lực giúp đối tượng phát triển khả năng tự giải quyết các vấn đề. 

■ Nuôi dưỡng tập trung: tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ theo quy định của Nhà nước. 

■ Nuôi dưỡng tự nguyện: tiếp nhận, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật theo diện đóng góp kinh phí.

Thu Hạnh

Tags Yên Bái Bảo Ái Hán Đà công tác xã hội bảo trợ xã hội cô đơn nơi nương tựa

Các tin khác
Ảnh minh họa

Hiện nay (23/3), lưỡi áp cao lạnh lục địa ổn định. Hội tụ gió trên cao trên cao tiếp tục duy trì.

Hơn 2.000 khách chủ yếu là người Việt Nam trở về từ các nước Đức, Anh, Nhật, Úc... Một số chuyến bay dự kiến hạ cánh ở Nội Bài đã chuyến sang sân bay Vân Đồn.

Ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng khiến Việt Nam đón một mùa hè nắng nóng hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, trong khi mùa bão đến muộn.

Hội viên nông dân xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên vệ sinh môi trường và sửa chữa đường giao thông nông thôn.

Với 11 nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch trên cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể, phân kỳ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm cho tổ chức hội các cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục