Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với 12 xã, thị trấn, trong đó 11 xã thuộc khu vực III và 1 tổ dân phố của thị trấn thuộc khu vực II, với 10 dân tộc sinh sống.
Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc triển khai các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS), hàng năm, huyện đã triển khai các chương trình như: tập huấn nâng cao kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) về cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ giống, phân bón, công cụ hỗ trợ sản xuất; xây dựng mô hình phát triển sản xuất tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập; nâng cao năng lực cho cán bộ là người DTTS; đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua các chương trình, dự án…
Từ năm 2014 đến năm 2019, tổng kinh phí đầu tư từ Chương trình 135 trên địa bàn đạt hơn 75 tỷ đồng, đầu tư mới 70 công trình đường giao thông, thủy lợi, cầu, trường học…
Đồng thời, triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn, bản ĐBKK, kinh phí hơn 20 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 12.000 lượt hộ nghèo và trên 66.000 lượt khẩu nghèo về mua sắm máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…
Ông Giàng A Chang - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn huyện những năm gần đây qua kiểm tra đều đúng đối tượng được hưởng lợi. Hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS được tiếp cận KHKT để áp dụng vào phát triển kinh tế hộ, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Về các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đến nay hệ thống giao thông đã cơ bản đi lại thuận tiện đến các thôn, bản; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất; các cơ sở trường học, trạm y tế, đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
"Từ các chính sách hỗ trợ DTTS đã góp phần để năm 2019 vừa qua, huyện giảm 8,5% hộ nghèo” - ông Chang thông tin.
Từ các chính sách, các chương trình dự án vùng DTTS, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, vận động nhân dân tăng cường khai hoang ruộng nước, tăng diện tích gieo cấy 2 vụ và thực hiện kế hoạch gieo trồng 6.915 cây lương thực/năm. Do chỉ đạo nhân dân gieo trồng đúng cơ cấu giống và đúng khung thời vụ nên tổng sản lượng lương thực năm 2019 vừa qua đạt 23.236 tấn.
Là địa phương có diện tích rừng rộng lớn với 46.327 ha, hàng năm, huyện đã ký kết giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng với các hộ và nhóm hộ quản lý nên đã hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên 61,7%.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, được vay vốn ưu đãi và tích cực lao động sản xuất nên thời gian gần đây, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất có thu nhập từ 150 triệu đồng/năm trở lên như các hộ: Lò Thị Thon, xã Hát Lừu; Vàng A Rua, xã Trạm Tấu; Sùng Vàng Dê, xã Bản Mù…
Bên cạnh đó, các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ về nhà ở, tiền điện, thẻ bảo hiểm y tế, trợ giúp pháp lý miễn phí... đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, khối đại đoàn kết được giữ vững, lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước được củng cố, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Thái Hưng